Xua

Hình ảnh Sài Gòn tuyệt đẹp hơn nửa thế kỷ trước qua góc ảnh của John A. Hansen _s2

Hơn 50 năm trước, nhà nhiếp ảnh người Mỹ John A. Hansen đã đi khắp thế giới để lưu lại những hình ảnh của các thành phố lớn. Trước năm 1975, ông đã 3 lần đến Sài Gòn, dạo quanh trung tâm thành đô và chụp được các hình ảnh vô giá này. Hình ảnh của ông rất khác biệt và dễ nhận thấy với hình ảnh tươi sáng, sắc nét.

Những năm gần đây, tác giả cũng có nhiều lần quay lại Sài Gòn – Việt Nam để đi du lịch.

Mời các bạn xem lại ở dưới đây hình ảnh của ông chụp vào các năm 1965, 1967 và 1972. Năm 1965, ông chụp trung tâm thành phổ, chủ yếu là xoay quanh góc đường Tự Do. Năm 1972, ông quay lại Sài Gòn, lưu trú ở khách sạn Majestic và chụp xuống bến Bạch Đằng với cảnh tàu thuyền tấp nập trên sông Sài Gòn. Những tấm ảnh này là ảnh gốc được tác giả công bố, không qua chỉnh sửa.

Sài Gòn 1965:

Bãi xe trước Hạ Nghị Viện (nay là Nhà Hát Thành Phố). Nhìn qua bên kia đường là Công ty Saigon Garage, được thành lập từ năm 1936 tại góc đường Nguyễn Huệ và Công trường Lam Sơn (Lê Lợi), là đại lý loại xe hơi Simca (S.E.I.C) lừng danh.

Sài Gòn năm 1965, đầu đường Hai Bà Trưng, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.

Bến Bạch Đằng năm 1965

Nơi trung tâm nổi tiếng nhất Sài Gòn ở góc Lê Lợi, Tự Do. Bên trái là Continental Palace, phía xa là Caravelle Hotel, bên phải là cư xá Eden.

Saigon năm 1965, hình ảnh Continental Palace

Góc đường ngã 3 Tự Do – Hồ Huấn Nghiệp năm 1965. Chiếc taxi trong hình đang đậu trên đường Hồ Huấn Nghiệp, góc nhìn đâm ra công trường Mê Linh. Hồ Huấn Nghiệp là một nhân sĩ chống pháp, tên của ông được đặt cho con đường này từ năm 1955. Sau 1975, chính quyền mới vẫn giữ nguyên tên đường này cho đến ngày nay.

Saigon 1965 – Đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi), đoạn từ Tự Do (nay là Đồng Khởi) tới đường Hai Bà Trưng, ngay đoạn ngã 3 với đường Phan Văn Đạt (là đường đâm ra tượng đức thánh Trần Hưng Đạo) ở công trường Mê Linh.

Advertisement

Tấm hình này ghi lại hình ảnh khu vực ăn uống đối diện đường Phan Văn Đạt. Mấy tiệm trương bảng vàng là tiệm hủ tiếu. Tiệm hai căn bên phải là hủ tiếu Nam Quang rất đông khách.

Đường này trước năm 1975 mang tên vị bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, từng làm thủ tướng của chính phủ Nam Kỳ tự trị từ năm 1946, là chính phủ đầu tiên ở miền Nam kể từ sau thế chiến thứ 2. Sau năm 1975, đường này đổi tên thành Mạc Thị Bưởi.

Sài Gòn năm 1965. Ở giữa là nóc của tòa Eden. Có thể tác giả đã chụp góc ảnh này từ phía công viên Chi Lăng.

Saigon 1965, đường Tự Do, đoạn giữa Hồ Huấn Nghiệp và Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi).

Saigon năm 1965, góc chụp từ khách sạn Alfana (góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do) nhìn xuống công viên Chi Lăng nằm trên đường Tự Do. Đây là công viên nằm ở vị trí trung tâm của góc phố xa hoa nhất Sài Gòn, là nơi lý tưởng để người dân trung tâm thành đô nghỉ chân hóng mát khi đi dọc đường Tự Do. Tuy nhiên hiện nay công viên này đã bị tòa nhà Vincom chiếm dụng.

Góc đường Tự Do – Ngô Đức Kế năm 1965. Ngay góc này có 1 tòa nhà nổi tiếng là Saigon Palace Hotel, nay là Grand Hotel.

Khởi đầu của tòa nhà này là vào năm 1929, khi ông Henry Edouard Charigny de Lachevrotière – Tổng biên tập của một tờ báo Pháp cho xây dựng Grand Hotel Saigon tại số 8 Catinat và khai trương vào năm 1930. Trước đó nơi này chỉ là một cửa hàng nước giải khát nhỏ nằm ở góc đường Catinat (Tự Do) và Vannier (Ngô Đức Kế).

Đến năm 1932, Grand Hotel đổi chủ và đổi tên thành Saigon Palace.

Đến năm 1958, chính quyền có chính sách là các cửa hiệu phải có tên tiếng Việt, nên nơi này được mang tên Saigon Đại Lữ Quán, tồn tại đến năm 1975. Sau năm 1975, đường Tự Do đổi tên thành đường Đồng Khởi, và nơi này cũng đổi tên thành khách sạn Đồng Khởi. Từ năm 1995 đến nay, khách sạn lấy lại tên nguyên thủy hồi thập niên 1930 là Grand Hotel Saigon.

Advertisement

Dưới đây là ảnh chụp Bến Bạch Đằng từ khách sạn Majestic đầu đường Tự Do, được chụp trong 2 năm 1967 và 1972:

Đông Kha (nhacxua.vn)
Hình ảnh: John A. Hansen

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *