Uncategorized

Chợ Lớn xưa: Chốn ăn, chốn chơi

Trước năm 1975, mỗi lần giáp Tết, ba tôi thế nào cũng có những buổi tối đi làm về trễ. Đó là những lần chiêu đãi khách hàng từ Lục tỉnh về thanh toán công nợ, tặng quà cáp cho ông chủ của ba tôi là chú Tám – chủ tiệm buôn Kim Phát số 301-303 ở cửa Tây chợ Bến Thành. Mỗi lần ba về trễ, má tôi chỉ nói một câu: “Ba con tiếp khách trong Chợ Lớn!”.

Có lần, chị tôi hỏi má: “Vì sao ba làm việc phía trung tâm Sài Gòn, đâu có thiếu nhà hàng đâu, mà toàn tiếp khách trong Chợ Lớn?”. Má mỉm cười: “Ở Chợ Lớn mới có nhiều nhà hàng ngon, ở Sài Gòn toàn nhà hàng Tây, khách không thích bằng nhà hàng Tàu!”. Má có thời gian làm việc gần chợ Xã Tài nên cũng có ít nhiều hiểu biết về Chợ Lớn. Anh em nhà tôi mặc nhiên công nhận điều đó, khi được nếm những miếng heo sữa quay, vịt quay, vịt lạp Quảng Đông, hoặc có khi là bánh trung thu, những món ba mua về từ chợ La Kai, khu Đèn Năm Ngọn.

-2313-1674016071.jpg

Chợ Lớn 1950 – góc đường Đồng Khánh – Tổng Đốc Phương

Một nhạc sĩ thường chơi đàn ở các vũ trường trong Chợ lớn từ trước năm 1975, từng ăn nhiều nhà hàng lớn thừa nhận mặc dù Sài Gòn cũng có những nhà hàng hấp dẫn nhưng số lượng không nhiều và khẩu vị không đa dạng như trong Chợ Lớn với người Hoa ngũ bang có nhiều cách thức chế biến món ăn vô cùng phong phú. Anh cho rằng chỉ có một nhà hàng ở Sài Gòn được người Hoa ưa chuộng là nhà hàng night club Văn Cảnh.

Nhà hàng này nổi tiếng từ lâu, tọa lạc tại khu vực chợ Bến Thành, trang bị toàn máy lạnh với những món ăn danh tiếng. Vũ trường được đặt tại lầu 1, ban nhạc do tay trống nổi tiếng Huỳnh Háo phụ trách chơi thường xuyên ở đây từ năm 1973-1975. Ở đây tuy diện tích nhỏ nhưng có cả khách sạn và giới chơi nhạc trước năm 1975 biết có khu vực “nhất dạ đế vương” phục vụ kín đáo. Các đại gia trong Chợ Lớn như Lý Long Thân, Hoàng Kim Quy chọn nơi đây là nơi giải trí thường xuyên.

Có thể ngoài chất lượng phục vụ, nhà hàng này được các đại gia Chợ Lớn thích vì xa vùng đất nhà của họ nên khi đến ăn chơi ít bị chạm mặt người quen hơn trong Chợ Lớn. Vào cuối tháng 3/1975, trước khi Lý Long Thân ra nước ngoài trước những biến động thời cuộc, ông đến vũ trường, tay cầm cục tiền loại giấy bạc 500 đồng lớn nhất lúc đó, ngắt ra từng xấp không cần đếm chia cho từng nhạc công trong ban nhạc, nhân viên vũ trường và các cô đào ở đó.

Đa dạng nhà hàng, khách sạn và khiêu vũ trường trong Chợ Lớn 

Số báo Xuân Tuần san Kinh Tế Tài Chính cuối cùng năm Ất Mão 1975 trước khi miền Nam có cuộc thay đổi lớn về chính trị xã hội đã có một bài viết tỉ mỉ điểm qua một số nhà hàng lớn trong Sài Gòn – Chợ Lớn. Bài báo cho biết thành phố lúc đó ít nhất cũng có tới 500 nhà hàng các loại Tây, Hoa, Mỹ, Nhật, Ấn Độ cũng có. Đó là chưa kể 98 nhà hàng thuộc hệ thống khách sạn.

Theo bài báo, phần đông du khách đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Singapore ưa thích những nhà hàng, khách sạn và vũ trường thuộc khu phố Chợ Lớn vì nơi đây vang danh về các món ăn Hoa. Trước hết là nhà hàng, khách sạn Trung ương ở cuối đường Nguyễn Tri Phương. Nhà hàng, trang trí thanh nhã, có dàn âm nhạc điện tử rất hiện đại. Tầng trên có một phòng tắm hơi thường trực phụng sự cho khách hàng và một vũ trường mang tên là Ruby Night Club, bày trí trang nhã rất được giới trẻ và các thương gia ưa thích.

Một nơi rất yên tĩnh, ấm cúng và trang trí đẹp, đó là nhà hàng, vũ trường và khách sạn Hồng Tá, tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng. Trước kia, nơi đây là cao ốc dành cho người Mỹ ở. Theo anh Thạnh – nhạc sĩ từng chơi đàn ở đó hồi trước năm 1975, nguyên do là cao ốc President số 727 Trần Hưng Đạo dành cho người Mỹ là các cố vấn quân sự và nhân viên văn phòng ở quá đông nên một số người được chuyển sang đây. Sau năm 1973, người Mỹ rút về nước từ Hiệp định Paris, Hồng Tá biến thành vũ trường. Trưởng ban nhạc ở đây là Huỳnh Hoa thổi kèn saxo alto. Ông này có đặc điểm trong giới chơi nhạc bảo nhau là dù không rành nhạc lý, ông có đôi tai siêu tốt nên chơi kèn rất hay.

Nhà hàng Hành Lang và night club Mỹ Ngọc, nằm tại cuối đường Trần Hưng Đạo – hướng bên Chợ Lớn, building này là một nhà lầu 9 tầng gắn máy lạnh. Hộp đêm Mỹ Ngọc đặt tại lầu 9, với sự chiêu đãi nồng nhiệt của các cô vũ nữ trẻ đẹp duyên dáng và trình tấu thường trực của ban nhạc nổi tiếng trên dàn nhạc trẻ do nhạc sĩ Triệu Anh Tế cầm đầu, là nơi thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc và trong nước, cũng là nơi quen thuộc đối với các giới trẻ Sài Gòn.

Từ đại lộ Trần Hưng Đạo hướng về khu Chợ Lớn có nhà hàng – khách sạn Đông Kinh, tọa lạc đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Trần Tuấn Khải), trang bị hoàn toàn máy lạnh. Restaurant với những món ăn Tây, Hoa nổi tiếng, là nơi quen thuộc của các du khách từ Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.

Gần đó, phía sau rạp chiếu bóng Palace có một quán ăn nổi tiếng về món Hoa như món gà tướng quân, đậu hũ, lẩu cá lóc… là quán nhậu Kinh Đô rất được khách sành điệu ưa thích.

Đại lộ Trần Hưng Đạo nối dài là đại lộ Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B), rất nổi tiếng là nhà hàng Đồng Khánh được biết đến từ thập niên 1950, có cách trang trí sang trọng, thực đơn buổi tiệc và ăn sáng có tiếng được nhiều lời khen ngợi của khách trong  và nước ngoài. Nhà hàng này mỗi năm sản xuất bánh trung thu trong dịp Tết rằm tháng tám. Về phần khách sạn, có nhiều phòng ngủ trang trí lịch thiệp.

-8965-1674016072.jpg

Rạp Lệ Thanh

Về hộp đêm có các ca nghệ sĩ danh tiếng Việt Nam và quốc tế biểu diễn thu hút nhiều khách bốn phương, địa điểm tiện giao thông, có chỗ đậu xe rộng. Ở nhà hàng này, giới chơi nhạc ở đó cho biết có một anh bồi bàn phục vụ bưng bê  là… quý tử của ông chủ nhà hàng. Anh chàng này làm bồi từ năm 16 tuổi, suốt mấy năm cho đến 1975. Đó là cách ông chủ người Hoa dạy dỗ con trai biết nghề phục vụ khách và biết chịu đựng trong việc làm ăn, chứ không dựa vào sự giàu có của gia đình mà thụ hưởng.

Nhà hàng, vũ trường Luân Đôn, ở đoạn giữa đại lộ Đồng Khánh góc đường Phan Phù Tiên là nơi nhộn nhịp nhất của khu phố, với các món ăn và điểm tâm Hoa, Tây, trang bị máy lạnh, thu hút du khách Đông Nam Á; restaurant có thể chứa khoảng 40 bàn ăn, có sân đậu xe rất tiện lợi.

Nhạc sĩ Hữu Thạnh cho biết, trong khu Đại Thế Giới cũ có vũ trường Đại Kim Đô khá lớn, trước năm 1963 khi còn sòng bài có vũ trường rộng với hai bộ trống, mời được hai ban nhạc lớn và nổi tiếng trong giới chơi nhạc vũ trường là ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý (sáng tác bài Việt Nam độc lập hành khúc) và ban nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Háo chơi ở đó. Trong vũ trường này, phía sau ban nhạc có một khu vườn cây rất đặc biệt vì để làm nơi… các ông khách trốn vợ. Ông nào đang ôm các cô đào nhảy mà có “bà” xuất hiện thì các ông lập tức lủi vào ban nhạc. Các nhạc công biết ý né ra để các ông ra khu vườn phía sau trốn. Rất êm. Từ sau năm 1963-1975, nơi này thành bãi đất hoang.

Advertisement

 

Nhà hàng – khách sạn Bát Đạt, là nơi các ca sĩ, diễn viên Hồng Kông qua Chợ Lớn diễn thường chọn làm nơi ăn ở. Có 8 tầng lầu, cũng nằm trên đường Đồng Khánh, trang trí hiện đại, trang bị máy lạnh, thu hút cả các du khách Đông Nam Á. Đến năm 1974 mở rộng lầu 1 là nhà hàng, có khung cảnh đẹp, món ăn đặc sắc, được đánh giá là nhà hàng có hạng tại Chợ Lớn.

Nhà hàng – vũ trường – khách sạn và siêu thị Arc En Ciel, tọa lạc tại góc đường Tản Đà – Đồng Khánh, nguyên là một hộp đêm và nhà hàng danh tiếng từ thập niên 1940. Khoảng cuối năm 1973 đã phát triển thành một cơ cấu du lịch tối tân và sang trọng nhất tại khu Chợ Lớn, hoàn toàn trang bị bằng máy lạnh, khách sạn với những phòng ngủ sang trọng; vũ trường có sự đóng góp tài nghệ xuất sắc của các ca nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam và quốc tế; tầng trệt là một siêu thị hiện đại nhất Chợ Lớn với các món hàng cao cấp. Nhà hàng có diện tích rất rộng, có thể tổ chức các buổi tiệc lớn. Arc En Ciel có vị thế đáng kể tại khu vực Chợ Lớn.

Từ đại lộ Đồng Khánh quay sang đường Tản Đà, gần nhà hàng Arc En Ciel là nhà hàng Mỹ Lệ Hoa, sang trọng, trang bị máy lạnh, trang trí thanh lịch. Nhà hàng này có tiếng nhờ các món ăn đặc sắc. Sau này trở thành chung cư Tản Đà.

Các nhà hàng mang khẩu vị Trung Hoa rất được nhiều khách ăn trong và ngoài nước yêu thích, đó là các nhà hàng Ái Huê, nhà hàng Ngọc Lan Đình, nhà hàng Á Đông, nhà hàng Đại La Thiên…

Trong số đó, Ái Huê Đệ Nhất Tửu Lâu, là một nhà hàng danh tiếng về các món ăn thuần túy Trung Hoa mà có người cho là “siêu ngon”. Tọa lạc tại đại lộ Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo B) gần góc Ty Cảnh Sát quận Năm, đặc biệt nhất là các món ăn phụ, thu hút rất nhiều khách ăn sành điệu. Tiếp đón nồng nhiệt  và chu đáo, rất chú trọng cải tiến để phục vụ nhu cầu của khách hàng, không gian rộng lớn có thể chứa được cả nghìn người cùng một lúc nên khung cảnh linh đình sang trọng, là nơi họp mặt và khoản đãi các buổi tiệc lớn, khách lên xuống bằng thang máy. Trước năm 1975 có đặt các xe đẩy nhỏ rải rác để sẵn các túi giấy để khuyến khích mang thức ăn dư về sau buổi tiệc, là tục lệ còn ít phổ biến lúc đó nên khách rất hài lòng. Bánh trung thu của nhà hàng Ái Huê có hương vị đặc biệt, được thực khách ưa chuộng.

Nhà hàng night club Bách Hỉ thành lập vào tháng 11/1973 có phong cách trang trí hiện đại, nằm ngay góc đường Tổng Đốc Phương – Đồng Khánh (Châu Văn Liêm – Trần Hưng Đạo B), trung tâm khu Chợ Lớn nên tiện lợi giao thông. Nhà hàng này chuyên về các món ăn như lươn, hàu… được lấy từ hồ riêng của nhà hàng nên tươi ngon và nổi tiếng nhờ các món ăn đặc biệt như tay gấu và vài món nữa được chở sang bằng máy bay từ Hồng Kông. Khu nhà hàng đặt tại lầu I và II, trang bị máy lạnh và không gian rộng. Night club Bách Hỉ đặt trên lầu 4 do Triệu Tinh làm trưởng ban nhạc, Hòa Chảy kéo violon, Quốc Hùng đánh bass. Trong đó, Quốc Hùng là tay bass nhạc trẻ có kỹ thuật tốt nhất và là một trong vài tay bass lương cao nhất. Các ca sĩ ở đây biểu diễn với kỹ thuật âm thanh tân tiến. Các vũ nữ được tiếng là trẻ đẹp duyên dáng. Nói chung, Bách Hỉ được tiếng là sang trọng nhưng giá phải chăng.

Cũng tại khu vực nhộn nhịp Chợ Lớn, một hotel được xem như là cao nhất tại góc đường Đồng Khánh và Tổng Đốc Phương, đây là khách sạn, hộp đêm Phượng Hoàng cũng là nơi quen thuộc của giới tuổi trẻ và thương gia trong nước cũng như nước ngoài.

Một quán cơm thuần túy mang màu sắc Trung Hoa, đó là nhà hàng Hoa Đô, nằm tại đường Tổng Đốc Phương, đối diện rạp chiếu bóng Đại Quang, chuyên môn về các món ăn lẩu, đồ nướng… có khẩu vị thơm ngon, có chỗ rộng rãi đậu xe.

Tại góc đường Tổng Đốc Phương – Hồng Bàng nơi đây có một nhà hàng đặc biệt chuyên môn về các món ăn thuần túy Việt Nam, đó là nhà hàng Thanh Đình với các món nhậu ngon miệng.

Nhà hàng Ngọc Lan Đình cũng tọa lạc tại đại lộ Đồng Khánh, địa điểm thuận tiện lui tới vì ngay trung tâm thành phố, là nơi lý tưởng cho các buổi tiệc thường và tiệc hỏi đám cưới… Nhà hàng trang bị máy lạnh, có thể chứa một lúc 60 bàn tiệc với những món ăn ngon phong cách ẩm thực Phúc Kiến. Nhà hàng này nổi tiếng với món vịt. Đây là một trong số ít nhà hàng cách nay hơn nửa thế kỷ cho chạy quảng cáo về nhà hàng trong rạp hát.

Nhà hàng Soái Kình Lâm vốn danh tiếng với bánh trung thu đặt tại góc đường Đồng Khánh – Phùng Hưng, lầu 3 và 4 trang bị máy lạnh có thể bày một lúc cả trăm bàn tiệc. Chuyên về các món Quảng Đông được nhiều thực khách ưa chuộng.

-7062-1674016072.jpg

Một góc quận 5

Từ đường Phùng Hưng băng qua bên khu vực đường Khổng Tử (nay  là Hải Thượng Lãn Ông), có một nhà hàng nằm trong hẻm Lãn Ông, đó là nhà hàng – phòng trà Đại La Thiên có nhiều món ăn đặc sắc và trang hoàng đẹp. Nhà hàng này có tiếng về bánh trung thu và thực đơn điểm tâm, buổi tiệc rất ngon nên từng được nhiều lời khen ngợi của các giới.

Về nhà hàng này, đọc trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, nhân vật nam trong truyện ngắn Ăn cơm chưa? khuyên nhủ cô gái Triều Châu đang bị bệnh thương hàn ráng nhịn ăn cho khỏi bệnh, khỏe hẳn anh ta sẽ dẫn đi ăn tửu lầu Đại La Thiên với các món cù lao (lẩu), chè thịt heo… Vũ trường ở đây đặt tại lầu 1 với sự đóng góp tài nghệ xuất sắc của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và từ Đông Nam Á đến biểu diễn. Phòng trà Đại La Thiên là một night club có hạng trong thủ đô. Sau năm 1975, ban nhạc chơi ở đó do trưởng ban là Tấn Triệu (piano), Nhật Trung (keyboard), Thanh Sơn (bass), Hiền (trống, sau theo nghề kiến trúc sư).

Cuối đại lộ Đồng Khánh góc đường Lý Thành Nguyên, nhà hàng Lạc Cảnh là một nhà hàng danh tiếng chuyên về thịt bò bảy món.

Quán nhỏ cũng ngon

Trên là các nhà hàng danh tiếng trong Chợ Lớn. Trong số đó, ông chủ của ba tôi, vốn là người Hoa Quảng Đông chọn vài nơi khi cần đãi tiệc khách. Các vị khách từ Lục tỉnh về liên hoan trong những ngày Tết năm xưa hầu như ai cũng thích khẩu vị Chợ Lớn.

Tuy nhiên, má tôi bảo trong Chợ Lớn có một quán ăn ngon mà má không bao giờ quên, đó là một quán cơm gà tuy nhỏ nhưng nổi tiếng ở chợ An Đông. Quán do một người Hoa giỏi nấu ăn, có cách luộc hấp gà với gia vị đặc biệt, rồi dùng nước luộc để nấu cơm và xào cơm với dầu mè. Sau này, đọc được cuốn sách của con trai nhà văn Nhất Linh, tôi thấy có nhắc quán này vì nhà của nhà văn Nhất Linh là tiệm Cẩm Lợi chuyên bán sỉ cau khô của vợ ông gần đó, còn cho chủ tiệm cơm câu điện nhờ. Quán mang tên Siu Siu, nhờ gần nhà văn sĩ Nhất Linh nên được vài nhà văn đến thưởng thức và nhắc trong vài bài viết. Dù là quán nhỏ, nó vẫn mang phong vị món ăn Hoa Chợ Lớn, chế biến bằng sản vật phương Nam giữa đất trời vùng Chợ Lớn từ lâu đã là quê hương của những người Hoa ngụ cư.

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *