Xua

Tết ở miền Nam (bài viết của Vương Hồng Sển gần 60 năm trước)

Bài viết của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từ gần 60 năm trước đăng trên Tập san Sử Địa số 05, 30/1/1967, kể lại những phong tục đã qua, những điều cụ nuối tiếc về ngày Tết trong Nam.

Tuy cùng một gốc nhưng nước Việt ta, Bắc-Nam-Trung, vẫn thưởng Tết không đâu giống với đâu: Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như tết miền Trung và ngoài Bắc, trước đây giữ nhiều lễ phép và kiêng cữ.

Tuy không lạnh lẽo đến có tuyết rơi giá phủ, nhưng Trung và Bắc, có đủ xuân hạ thu đông bốn mùa phân biệt: Các thi ông ngoài nớ hơn chúng tôi ở trong Nam vì được thưởng Xuân trọn vẹn, khi chén rượu ấm lòng, khi câu thơ phấn khởi, khi nhắp chén trà hương đượm… và ngoài ấy mới thấy chiếc áo ngự hàn bằng dạ bằng nhung có mãnh lực làm tăng giá trị con người và cũng làm khổ con người bằng cách bắt buộc mọi người phải tùy theo túi tiền, săn sóc và chạy theo từ cái “ăn no mặc ấm”. Nhưng đã là “ăn Tết” đúng theo ý nghĩa tục lệ ông bà để lại, thì đâu đâu cũng như nhau, dùng dịp Tết nhứt để mừng đoàn tụ gia đình, tưởng niệm cúng vái tổ tiên đã khuất, há đợi gì: “Xuân từ trong ấy mới ban ra”?

Mấy chục năm nay, chiến tranh không dứt, nhơn tâm suy bại, khiến nên cái tết đã thay đổi rất nhiều và trở nên tạm bợ, ai ai cũng có ý nghĩ “chờ hết giặc sẽ ăn tết lớn”… chớ trước kia, trước năm đảo chánh 1945, miền Nam dật lạc thái bình, tiền rừng bạc biển, ngày Xuân đối với con dân làm ruộng, quả là những ngày xả hơi và phải thừa dịp ấy, ăn chơi cho thỏa phỉ chí.

Thời tiết trong Nam luôn luôn có tiếng là khoan hậu: nóng đều đều, tuy không cho phép nhà giàu mượn dịp tra mãi bộ đồ dạ ấm đắt tiền, nhưng sức nóng mặt trời trong Nam không bao giờ đến cháy da phỏng trán, và ấm áp dễ chịu quanh năm. Tự cổ chí kim, chưa nghe có nạn chết rét vì thiếu y phục, hoặc chết đói vì thiếu cơm. Bẻ cây cần trúc tạm, ra ruộng đứng nhắp chơi cũng có cá tươi kho đầy mẻ, đến ăn không hết. Còn nói chi làm siêng ra đồng quơ bậy bạ cũng đủ nấu nồi canh rau nhẹ lòng.

Thiết tưởng miền Nam từ Đồng nai đến vùng Cà Mau, trước đây, trước khi bị nạn tranh giành cấu xé như nay, quả là một Phật địa, cảnh thiên đường, cảnh cực lạc giữa chốn trần gian. Thuở ấy trong Nam lúa thóc đầy đồng, cá tôm đầy dẫy, có đâu như ngày nay tuy đồng sống chung trên ruộng vườn mầu mỡ, mà phải ăn gạo viện trợ và ăn thịt heo ướp lạnh chở từ phương xa đem lại. Còn đâu cái cảnh cũ, tôm tép ăn không hết đến phải phơi làm “phân tôm” xa xỉ để dành bón trái dưa hấu ngọt lịm của bãi biển Bạc Liêu hay dưa đất giồng Xoài Cả Nả (Sóc Trăng)? Ngày xưa dân Miền Nam không bao giờ thiếu ăn, không cần nhờ nhõi nước ngoài và hưởng nhiều Tết thú vị. Ngày nay Tết không cánh đã bay về đâu mất dạng và mỗi lần gió xuân phất mặt, dường như đã làm cho mình thêm tê tái cõi lòng.

Mấy chục năm về trước, Miền nam gồm toàn người củi lụt làm ăn, đầu tắt mặt tối, quanh năm chơn lấm tay bùn, lặn lội eo sèo trong sình lầy nước thúi, chỉ có mỗi lần Tết đến mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở và ra công quyét tước dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo ông Vôi, một năm chỉ có một lần ấy mà thôi.

Nhà nào có vườn có sân thì đốn tre trồng nêu để nhắc lại cổ tục chầu xưa, nhà nào ở chợ búa phố xá hẹp hòi thì cũng treo cờ trước cửa cho gió bay mấp máy thấy đủ vui mắt, nhưng nhà nhà bất luận sang hèn, dẫu ọp ẹp bằng tre lợp lá chằm lá khíu, cũng có đôi liễn mới dán đỏ cột và trên bàn thờ tổ tiên sao sao cũng có lộc bình, quả tử, nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau o bế chùi bóng nhoáng rất nên thơ. Nhớ đến phong tục chùi lư mà tiếc hối buổi xuân thời: lúc nào còn bé thơ, mãi sợ nạn chùi lư vì mỏi tay thêm mất dịp đi xin bánh và đi lượm pháo tịt ngòi. Nay đã khôn già thì người lớn đã khuất hết, tiếc cho mình nay không còn cha mẹ để được bắt chùi lư! Phong tục dán liễn Tết nay đã lui lần vào dĩ vãng.

Gẫm lại xưa các nhà làm ăn vừa phát, vẫn nhà gỗ cột tre cột cây tạp nên ba bữa Xuân phải nhờ đôi liễn đỏ che cho cột gỗ bớt xấu xí và cũng vừa để khoe trong nhà còn hiếm kẻ độc thơ nhân:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ,
Đức mãn càn khôn, phước mãn môn.

vân vân… Ngày nay tân tiến, là tân tiến chỗ nào? Sợ dán liễn phết hồ dơ cái mặt tiền và làm bẩn cột gạch, tường đá nhân tạo! Lại cũng còn đâu đủ tài ăn học, đọc nổi câu Hán văn hòng thưởng thức ý nghĩa câu đối câu liễn?

Nhắc đến lư thờ mà tủi lòng: nhiều nhà khá giả có đến ba giàn giường thờ, nay không còn giữ được một. Lớp nào khi tản cư năm 1945-46 đào đất chôn giấu lư xưa, khi hồi cư moi lên thì kẻ trộm nó đã moi trước lấy mất tự hồi nào, lớp lại thật thà tự tay dâng cúng cho đồng chí năm xưa tuần lễ thau đồng ái quốc lấy đó làm súng đạn chống giặc Tây… nay nhớ ông bà muốn sắm mua lại cũng không có thợ khéo, chỉ có lư hàng chế tạo dối trá, đồng xấu, kiểu không đẹp.

Lối năm 1920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá độ năm chục đồng bạc lớn, nhưng năm chục đồng bạc ấy lớn thật, có bao nhiêu ấy mua sắm lung tung và giá trị năm chục đồng bạc 1920 còn lớn hơn năm ngàn bạc ngày nay xa lắc! Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười “cầu phúc”, có thứ lư gồ ghề rất khó chùi cho bóng, vì lư làm theo kiểu “lư mắt tre”, lư “trúc hóa lân”. Lư trơn láng thì phải lựa thứ kiểu thật rôm, xứng trái xứng bề cao. Lư mắt tre thì phải lựa cho được thật hùng vĩ, bặm trợn, cân xứng y gốc tre già cỗi đã biến hình thành con thú, con lân.

Muốn chùi lư cho bóng, lọ là phải có dầu bóng hiệu Tây-u cho thêm tốn nhiều tiền. Miễn có khế chua đập giập lấy nước chua chấm với tro bếp thật mặn, chấm với “cặt bần” cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ cũng sạch. Lư khéo chùi là đến khi nào bóng sáng đến ngó thấy mặt tỏ rõ, nhưng bóng lộn không chưa đủ, thuở ấy con mắt mỹ thuật còn kén thi nhau khoe khéo khoe tài. Giỏi chùi và biết “trau lư” là nhà nào lư bóng như kiếng soi thêm toàn trên da đồng, tìm không thấy lằn gạch lằn trầy, lằn rễ tre vằn sọc.

Như đã nói, nhà cửa lớp xưa, mỗi năm chỉ đổi bộ mặt mới có một lần và phải đợi năm sau mới có dịp quét dọn lau mò hóng, quơ váng nhện lại lần nữa. “May sắm hà rầm” và muốn có áo mới; mặc tình đến tiệm, lựa hàng đặt may. Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày, và trẻ nít phải đợi đến Tết mới có dịp cha mẹ may cho cái quần lãnh Bắc Thảo hay cái áo lá liễu bằng củng xá hay hàng lụa Tứ Xuyên bền chắc.

Ngày nay đâu còn hạnh phúc mừng xuân đến “không nhắm mắt được” và tục chờ mau đến Tết để được bận đồ mới! Tượng trưng “ăn Tết” đối với trẻ con buổi ấy là mỗi lần cận Tết, đêm nào cũng nghe cô bác “đỗ Tam Hường” tiếng hột lút lắt ngà nhảy bồng trong tô da kiểu, tiếng xu bạc khua khi chung tiền, tiếng cười giòn khi đổ được Trạng Nguyên, Bảng Nhãn hoặc khiêm tốn chỉ đỗ “Ngũ tử phò tứ”, tức là sáu hột có năm mặt chữ “Ngũ” và một mặt tứ màu hồng.

Chiều ba mươi cúng “vào Khem” trong Nam cũng giản dị đơn sơ, không quá kiêng cữ như ngoài nớ, và “vào khem” đối với dân “lục tỉnh” mấy mươi năm về trước thì thâu gọn lại như nhà mấy ông mấy thầy tức nhà quan quyền thì rước ông bà nội ngày ba mươi hoặc trưa hoặc chiều đều được, còn như nhà thường dân, dân dã, thì vẫn rước vào đầu hôm một lượt như nhau.

Cứ từ chạng vạng tối bắt đầu phải giữ gìn cho trong nhà bình tịnh, không nên cười lớn và khi nói phải lựa lời, cử chỉ phải thanh bai lễ giáo vì hiểu rằng vào khem trong nhà có rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày xuân nhựt với con cái, nên phải thủ lễ. Lại nữa cũng tin tưởng, tin rằng đêm ba mươi rạng mồng một Tết, có ông Hành cũ và mới đến nên trong nhà nhỏ lớn đều kiêng không “động đất”. Cái cổ tục “hai nhà bàn giao việc đã qua và sắp đến, ông Hành giao việc” đã phai mờ trong trí óc mộc mạc dân Nam, có họa chăng độ mấy mươi năm trước nhớ có một tờ báo Xuân nào đó, ngạo mạn dám vẽ hình bìa ông Táo quân cũ quần áo rách nát và khói đóng đen xì, Táo cũ chưn bước ra cửa tránh chỗ nhà trong cho vị Táo quân mới áo mão xúng xính đỏ loe loét, tuy vẽ chơi làm vậy mà đã đụng chạm vào cổ tục, và phàm đã bất kính thì lần hồi những tục xưa lệ tốt cũng khó được bảo tồn. May sao, tuy vậy, nhiều gia giáo ngày nay còn giữ được lệ cấm nói tục tĩu ba ngày Tết và bớt rầy la con cháu khi lâm lỗi buổi đầu xuân, ý tốt muốn giữ là mong năm mới và suốt năm ăn nói thanh bai thì sẽ trọn năm không xúi quảy.

Advertisement

Nhưng ngày nay xem cho kỹ, cái thị hiếu và cái sở cầu hai thế hệ xưa và nay đã đổi khác, xưa quen thắp đèn dầu dĩa mỡ, nay toàn dùng điện dùng neon, cho đến thôn quê cũng một vài nơi có máy điện viện trợ chạy nghe xành xạch, xưa kia ngày Tết là ngày tưởng niệm vong linh ông bà, con cháu thừa dịp ấy qui tụ về nhà chung để giáp một năm thấy mặt mừng nhau khỏe mạnh, nay đà đổi khác thừa dịp Tết người lớn tha hồ đi nghỉ mát, cặp tay nhơn tình đưa nhau ra bãi biển giỡn sóng hay lên non hứng gió, ông bà tổ tiên phú mặc cho vợ con hiu quạnh cúng quảy lấy lề.

Tết Bính Ngọ đã qua, Tết Đinh mùi sắp đến, cũng như bao nhiêu tết khác nếu còn được hưởng, đều là Tết điện sáng vàng, neon sáng xanh, nhưng biết đâu chừng cái sáng sủa văn minh tân thời chỉ sáng bề ngoài để càng thêm thấy rõ nạn chiến tranh dai dẳng không thôi, giết chóc kéo dài không dứt và trong lòng coi rẻ mạng người và sặc mùi bôn danh trục lợi chợ đen chợ đỏ hơn bao giờ cả, sao bì được những Tết cổ lỗ năm xưa tuy thắp mỡ dầu mà trong lòng thơ thới sáng sủa hơn nay nhiều. Thậm chí tuy thắp đèn dầu mù u hay dầu cá, có năm 1931-1935 kinh tế khẩn bách, đến vùng Mỹ thuận và Sa Đéc thắp đến dầu mỡ chuột tanh rì, nhưng vậy mà dẫu sao cũng lúa gạo chứa đầy mái đầy thùng, cá mắm cả lu, và tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh không tiếng súng nổ mà cũng không tiếng máy bay rầm rầm, nên cổ nhân canh chừng mới biết được “con thú gì ra đời”: gà gáy đem lại thăng bình hay chuột túc con bày điềm sang năm sung túc.

Mỗi dịp tết đến, dẹp đèn chong leo lét, lấy trong tủ cây đèn họng ba mươi Huê kỳ ra thắp, hy vọng sang năm mới trong nhà trong cửa sáng suốt hơn năm rồi có đâu như ngày nay tuy đã vượt xa cái cảnh tối tăm cũ, nhưng dẫu nhà sáng hơn thật nhưng nhiều gia đình vẫn nội tâm bê bối còn rối rắm hơn bao giờ. Và mãi bao giờ còn ruồng xét ráp bố, bắt bớ, đánh qua càn lại, thì đâu có yên ổn cho dân cư làm ăn vui Tết: thà sống âm thầm như buổi trước mà nhẹ lòng đỡ lo hơn.

Ngày xưa trông mau đến Tết đặng về quê thăm nhà. Ngày nay đướng xá bế tắc thêm bị lụt bị đào, thôn xã bất an, còn đâu cảnh từ hai mươi lăm hai sáu Tết, nôn nao nhộn nhịp băng đường, kẻ ở Lục Tỉnh trồi đầu về Sài Gòn, kẻ ở Kinh thành lại hơ hãi lội về quê ăn Tết! Ngày xưa bên Trung quốc tải qua đây hoa quả đặc biệt: trái hồng khô hai xu, trái hồng tươi và trái cam Tàu (cam Quảng Đông dính vỏ, cam Triều Châu tróc lóc), mỗi trăm trái chỉ có sáu bảy đồng bạc mà ông bà thuở ấy đã le lưỡi than mắc không dám mua ăn, nay Tàu đã nhuộm đỏ, dân Nam không được phép chơi với mầy và tao ăn quả nho tươi Âu Mỹ, mỗi ký giá bạc trăm bạc ngàn và trái lê trái táo ngoại bang tuy lạ miệng nhưng vẫn nhớ cam Tàu có cái hậu thanh thanh mát đóc giọng.

Bởi xưa ham uống rượu Trung hoa, hiệu “Ngũ gia bì” nên khiến dân ta say ngủ ly bỳ, và thích uống “Mai quế lộ” nên thường túy lúy nằm đo đường té lộ. Khách tân thời đua đòi theo Âu Mỹ, có độ uống sâm banh cổ nhác, nay day qua chai ba góc hay chai vuông huýt ky. Sao cho bằng uống mỹ tửu quốc hồn: rượu đế lậu đặt tại Thủ Đức với nếp đầu mùa, do các chị đàn bà Bắc tải xuống chợ Bà Chiểu và để đánh lạc mắt nhà đoan, giả bụng chữa, độn bụng thè lè, chớ kỳ thật chị mang bong bóng trâu phơi khô, trong chứa hai ba chục lít rượu nếp chánh hiệu có bọt. Xứ Cai Lậy (Mỹ Tho) nay đánh lung tung trước đây có đặt rượu đậu nành nước trắng trong khe, mùi thơm ngon ngọt có thua gì rượu Tây, rượu lục vị, Pháp danh là Anisette.

Ngày nay tiếng súng nổ quanh đêm suốt năm lấn át mất tiếng chày giòn quen tai cận Tết giã gạo làm bánh phồng dịp dầu Xuân và khói lửa chiến chinh đã dập tắt lửa cuối năm nấu bánh tét bánh chưng. Ngày nay muốn ăn những bánh khiêu gợi Tết, đã phải nhờ quán khách làm sẵn, chớ còn đâu lửa reo vui mắt bữa chưng bánh chung quanh gia đình đoàn tụ, ông kỹ sư tóc hoa râm, đứng chờ bánh nói chuyện với nhà học giả quá mùa, xúm xít gần bà mẹ tuy lụm cụm nhưng không khứng bỏ tục cổ truyền. Hai ông tân nhơn vật tuy bụng chứa đầy văn minh Âu Mỹ, nhưng trong lòng thỉnh thoảng vẫn thèm vẫn nhớ miếng bánh phồng nướng bằng lửa rơm thơm ngát, hay miếng bánh nhưn đậu giữa có cục mỡ béo bùi của đòn bánh tét gói và nấu tại gia, bánh ấy tuy xấu mặt nhưng hương vị đặc biệt đã đánh lui các bánh tây bánh ngoại quốc dồn vào kẹt tủ buổi Tân Xuân.

Ngày nay miền Nam càng tiến hóa bao nhiêu càng đi xa lần và lãng quên những phong tục cũ, độ nào phải chờ Tết đến mới có dịp cho trẻ con thấy đồng xu đỏ au và bạc cắc phong gói trong tờ giấy làm gói “lì xì” tân niên. Được vài ba gói trẻ đã mừng húm, nhờ vậy mà con nít chóng lớn và người lớn thấy vậy cũng phấn khởi thấy đời thêm vui. Ngày nay đổi đời, trẻ con đi học đã có bạc ngàn bỏ túi, và thử cho trẻ một tờ giấy bạc năm trăm, chưa thấy nó mừng bắng lớp trước đây, được thưởng nửa đồng bạc đã cắp ca cắp củm để dành và đó là sưu tập phẩm cà rô bi (roupie) hiếm có.

Mấy năm gần đây có tục lệ đầu năm đi xin xăm nơi miếu Tả Quân trong Gia Định, báo hại các bà di cư ham hái lộc như thuở nào ở ngoài kia, báo hại kiểng cây kiểng gốc trong Lăng trụi lủi lá cành. Xin lộc là một phong tục cổ kính của xứ có hoa đào hoa hồng hoa thủy tiên. Đất Nam Trung ít bông nhiều lá làm gì có hoa chời chở để hái lộc?

Nhắc lại một phong tục nhỏ trong Nam. Ba ngày Tết trong nầy ăn dồn thịt kho, thịt lạp xường và vịt phơi khô, nhiều ngày quá nên lợm giọng, vì thế qua ngày mồng bốn Tết có lệ “cúng tất”, tết nhà tết cửa. Ngày ấy nấu bữa cơm cúng đất đai ông bà, lễ tất, đại để có tục lệ cắt giấy kim ngân ra hình vuông hình hồ lô để dán vào cột cửa tủ bàn và dâng lên bàn thờ Tổ tiên “nồi cháo cá ám”. Cũng thì cháo cá nhưng cháo nấu kiểu cá luộc chần thì vẫn cá luộc sơ và xắt khúc, không để nguyên con, còn trái lại “cháo cá ám” là nấu nồi cháo rất kỹ, cá để nguyên con không chặt ra khúc và khi nấu nồi cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám). Theo tôi đây là món thuốc vệ sanh trừ độc của ông bà lưu truyền lại, vì ba ngày tết ăn mỡ đã nhiều, qua mồng bốn ăn tô cháo ám có rau ghém chát xắt nhỏ, chuối cây non và rau thơm, vừa nhẹ lòng khoan khoái thêm ngon miệng, trở bữa, nghệ thuật bí quyết trường sanh là đó!

Nay cũng thấy bớt đi cái tục “cung chúc tân xuân”. Xưa có lệ sáng mồng một thay nhau vái lạy ông bà lối xóm và chúc nhau bằng cánh thiệp viết tay có để tên họ và câu chúc cổ truyền. Nay đã thôi đi “cung hỷ” và quen nhờ nhà bưu điện đem thơ giùm, làm cái việc trả nợ quỉ thần, báo hại mỗi lần Tết người đem thơ mỗi lần đổ quạu.

Người Việt ta vì quá đua đòi chạy theo cái mới lấy cái Tết Dương lịch làm lớn và thuần phong cổ tục về Tết âm lịch đã mất lần hồi. Tục thờ kiếng ông bà đã xem nhẹ hơn xưa và cái lễ Tết là lễ nhớ người chết đã trở nên ngày xả hơi vui chơi của người sống. Chúng ta có thể giản dị hóa phần nào những gì phiền phức rườm rà, nhưng không nên để cho mất ý nghĩa của cái Tết cổ truyền của một xứ lấy việc nông tang làm gốc, chớ nên quá duy vật mảng ăn chơi vui sướng cho mình mà quên câu “mộc bổn thủy nguyên” trước có ông bà sau mới có ta vậy. Theo tôi, ngày Tết Nguyên Đán phải được bảo tồn với bao nhiêu cổ tục của nó.

Vương Hồng Sển
13-12-1966

Đăng trên Tập san Sử Địa số 05, 30-1-1967

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *