Xua

Lịch sử 140 năm của Continental Palace – Khách sạn đầu tiên và hoành tráng nhất của Sài Gòn xưa

Đầu năm 1859, quân Pháp hạ thành Gia Định, mở đầu cho gần 100 năm đô hộ Việt Nam. Chỉ một năm sau đó, quần thể Angkor (Đế Thiên Đế Thích) ở Cao Miên được người phương Tây phát hiện và gây sửng sốt cho cả thế giới, mở ra tiềm năng du lịch rất lớn cho vùng đất này nói riêng, và cả Đông Dương nói chung.

Từ năm 1860 đến 1880, Sài Gòn như là một đại công trường với hàng loạt công trình quy mô được xây dựng, hoặc sắp sửa được xây dựng, từ đó nên nhu cầu khám phá một Đông Dương kỳ vĩ, một vùng đất mới ở phương Đông huyền bí đã tăng cao trong giới quý tộc, giàu có Pháp.

Nắm bắt nhu cầu đó, ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nảy ra ý định phải xây một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn để đón những khách hàng nhà giàu bên Pháp và phương Tây, những người cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ Âu châu, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm phương Đông.

Đường Catinat và khách sạn Continental. Trong ảnh này có trụ cấp điện cho tàu điện chạy tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp

Năm 1878, một khách sạn quy mô và hoành tráng mang tên Continental Palace được mọc lên tại một vị trí đắt giá: Nằm giữa bến cảng và Nhà Thờ, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất đi xuống phía bờ sông.

Nhà thờ Đức Bà lúc đó cũng đang bắt đầu được xây dựng, khi Đức Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên vào năm trước, thì năm sau khách sạn cũng được khởi công.

Continental Palace được hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Có thể nói đây là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất Sài Gòn, vẫn còn lại đến ngày nay sau hơn 140 năm.

Sau đó gần 20 năm, tại vị trí đối diện với khách sạn nếu nhìn về hướng bờ sông, một công trình quy mô khác được mọc lên, đó là Opera House – nhà hát lớn, càng làm cho khách sạn gia tăng giá trị một cách đáng kể, vì hiếm có địa điểm nào ở Sài Gòn lúc đó có góc nhìn đẹp được như vậy.

Cũng trong thời gian này, có nhiều công trình nổi tiếng khác đã được xây dựng, ngoài Nhà Thờ Đức Bà (xây từ năm 1877) và Opera House (xây từ năm 1898) còn có Bưu điện thành phố (xây từ năm 1886) và Tòa thị chính (xây từ năm 1898), đều là những công trình đã trở thành biểu tượng và còn tồn tại đến tận ngày nay, tất cả cùng tạo nên một diện mạo đẹp và sang trọng cho thành phố được mệnh danh Hòn ngọc viễn đông.

Kiến trúc và nội thất của Continental Palace được xây dựng và bài trí theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách Âu châu khi đến Đông Dương.

Sau hơn 140 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Palace đến nay vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn này vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng.

Khuôn viên khách sạn được thiết kế dạng hình chữ nhật. Ở trung tâm là một khu vườn rộng lớn, những dãy phòng bên trong đều quay mặt về khoảng sân này. Ở giữa sân, những cây hoa sứ cổ thụ được trồng từ năm 1880 vẫn xanh tốt và khoe sắc đến tận ngày nay. Những đặc điểm này tạo ra một cảm giác yên bình và tĩnh lặng hiếm có giữa trung tâm Sài Gòn.

Nhà hàng bên trong khách sạn năm 1912

Continental Palace không chỉ là khách sạn, bên trong nó còn có nhà hàng hạng sang do đầu bếp đến từ Pháp đảm nhiệm.

Trong các hình ảnh xưa, dễ bắt gặp hình ảnh cafe vỉa hè ngay dưới mái hiên của Continental Palace. Quán cafe này nằm ngay đối diện với cafe Givral ở bên kia đường (tầng trệt Eden), nằm bên hông của Opera House.

Từ giữa thập niên 1950 đến năm 1975, Opera House là trụ sở của Quốc Hội, nên các quán cafe này luôn là nơi gặp gỡ của truyền thông báo chí, và cả những điệp viên của nhiều bên đến thăm dò tin tức.

Advertisement

Năm 1911, công tước Ferdinand de Montpensier (cháu nội của vua Louis-Philippe I của Pháp) quyết định mua lại khách sạn này 3 năm sau khi ông lần đầu trú ngụ tại đây trong một chuyến đi vượt rừng đường xa từ Sài Gòn đến Angkor. Cũng vào dịp này, Montpensier đã mang xe hơi vào Sài Gòn, và đây chính là một trong những chiếc đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1908, xuất phát từ Continental, xe hơi của Montpensier lên đường đi Angkor, một chuyến đi đầy gian nan vì đường sá lúc đó chưa được làm cho xe hơi chạy. Ông ở lại Việt Nam một thời gian và đi du lịch khắp nơi. Tại Phan Thiết, ông đã xây một biệt thự trên ngọn đồi, nơi có thể vừa nhìn ra phía biển, vừa nhìn về lại Phan Thiết. Căn biệt thự này được người địa phương gọi là “lầu ông hoàng”, là nơi hẹn hò của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm sau này. Thuở đó vùng này chưa có điện, nhưng căn biệt thự của Montpensier lúc nào cũng sáng trưng nhờ máy phát điện chạy diesel.

Hình ảnh được cho là lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết

Năm 1930, công tước Montpensier bán Continental Palace lại cho ông Mathieu Franchini – một thương gia người Pháp gốc đảo Corse có giao thiệp rộng. Ông là con rể của Đốc phủ Lê Văn Mầu, là người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Ông Lê Văn Mầu gả con gái là Lê Thị Trọng cho Francini, một số thông tin cho rằng chính ông Lê Văn Mầu mới là người mua lại Continental Palace để làm “của hồi môn”, nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng. Ngoài ra, báo chí Việt Nam nói rằng Mathieu Franchini xuất thân từ một tầng lớp bị khinh rẻ, rồi sau đó dính dáng nhiều đến giới giang hồ, tuy nhiên đó là những thông tin chưa rõ ràng.

Ông Franchini quản lý khách sạn đến năm 1964 thì giao lại cho con trai là Philippe Franchini, một người mang 2 dòng máu Pháp – Việt.

Đến năm 1975, Coninental Palace bị “quốc hữu hóa”, Philippe Franchini trở về Pháp, trở thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 tại Paris.

Continental về đêm – thập niên 60

Những vị khách nổi tiếng từng ở tại Continental Palace:

Khách sạn hạng sang này từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú. Nổi tiếng nhất trong số đó là nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore – giải Nobel Văn chương năm 1913. Nhà văn người Anh Graham Greene cũng đã đến đây năm 1951 trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American – “Người Mỹ trầm lặng”.

Khi “Người Mỹ trầm lặng” được chuyển thể thành phim năm 1956, Continental Palace trở thành một trong những bối cảnh chính của phim. Đến năm 1992, khách sạn này càng thêm nổi tiếng thế giới khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính trong phim Indochine, là phim điện ảnh được trao giải Quả Cầu Vàng và Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Oscar năm 1993. Năm 2002, khi phim Người Mỹ Trầm Lặng được Hollywood làm lại, Continental Palace tiếp tục được lên màn ảnh rộng khắp nơi trên thế giới.

Ông Jacques Chirac – tổng thống Pháp thứ 22 của Pháp, khi còn là thị trưởng Paris cũng từng đến Sài Gòn và ở tại Continental Palace.

Sau đây là những hình ảnh Continental Palace qua thời gian:

Hình trước thập niên 1950:

Continental năm 1900, lúc chưa có Opera House

Khách sạn Continental thời Pháp thuộc. Trong hình này có cổng chào đón Thống chế Joffre (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp từ 1914 đến 1916) đến Saigon, do KS Continental Palace thực hiện trên đường Catinat

Bên trái của hình này là khu vực Eden lúc chưa xây

Hình thập niên 1940, lúc đang xây dãy nhà Eden nổi tiếng

   

 

Hình sau thập niên 1950 theo thời gian:

            

Continental năm 1965

Có thời gian chính quyền bắt buộc các cơ sở kinh donh đặt tên tiếng Việt, vì vậy bên cạnh tên Continencal Pa;ace, khách sạn còn mang tên Đại Lục Lữ Quán như trong hình này

Continental lúc mang tên Đại Lục Lữ Quán

    

Advertisement

               

Hàng hiên của Continental Palace

Một số hình ảnh Continental Palace, mặt phía bên đường Catinat – Tự Do:

Hình sau năm 1975:

 

Continental Palace hiện nay

Đông Kha – chuyenxua.net

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *