Một thoáng Sài Gòn năm 1965 hiện lên sống động qua những thước phim màu quý giá của John A. Hansen, ghi lại nhịp sống thường ngày và vẻ đẹp độc đáo của thành phố trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Cùng tiệm Đỡ Buồn khám phá câu chuyện này và cảm nhận một Sài Gòn xưa cũ qua góc nhìn chân thực của một nhiếp ảnh gia tài hoa nhé!
SÀI GÒN NĂM 1965
Người dân Sài Gòn trong năm 1965 sống giữa nhịp điệu sôi động của một đô thị đang thay đổi nhanh chóng. Đường phố tràn ngập xe cộ, người đi bộ, và những tiệm hàng nhộn nhịp, phản ánh sự đa dạng văn hóa và xã hội của thành phố.
Sài Gòn năm 1965 mang vẻ đẹp hòa quyện giữa kiến trúc Pháp cổ kính và những công trình hiện đại mới xây dựng. Các đại lộ như đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) rực rỡ với các quán cà phê, nhà hàng, và các cửa hàng thời trang, tạo nên một khung cảnh vừa cổ điển vừa hiện đại.
Năm 1965 đánh dấu một giai đoạn căng thẳng trong Chiến tranh Việt Nam, với sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ. Dù không phải là chiến trường chính, Sài Gòn vẫn chịu ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình phản chiến và sự gia tăng quân sự, tác động mạnh đến đời sống người dân.
1965 cũng là thời điểm khởi đầu của sự gia tăng can thiệp quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Các biến động chính trị và xã hội trong lòng Sài Gòn tạo nên một bức tranh đa sắc với cả những thăng trầm và hy vọng về tương lai.
BỘ ẢNH VỀ SÀI GÒN NĂM 1965
John A. Hansen, nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã du lịch khắp thế giới để ghi lại hình ảnh các thành phố lớn. Trước 1975, ông đã ba lần đến Sài Gòn, tạo nên bộ sưu tập ảnh quý giá về thành phố này. Phong cách nhiếp ảnh của Hansen nổi bật với những hình ảnh tươi sáng và sắc nét.
Năm 1965, ông chụp chủ yếu khu vực trung tâm, tập trung quanh đường Tự Do. Đến năm 1972, Hansen quay lại Sài Gòn, lưu trú tại khách sạn Majestic và chụp cảnh tấp nập của bến Bạch Đằng trên sông Sài Gòn. Những bức ảnh này là phiên bản gốc được tác giả công bố, không qua chỉnh sửa, tạo nên giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt.
Bức ảnh chụp Sài Gòn năm 1965 ghi lại cảnh đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi), đoạn từ Tự Do (Đồng Khởi) đến Hai Bà Trưng, gần ngã ba với đường Phan Văn Đạt tại công trường Mê Linh.
Khu vực này nổi tiếng với các quán ăn, đặc biệt là những tiệm hủ tiếu có bảng hiệu vàng. Tiệm hủ tiếu Nam Quang, nằm ở hai căn nhà bên phải, luôn đông khách.
Đường này được đặt theo tên bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Kỳ tự trị năm 1946 – chính phủ đầu tiên ở miền Nam sau Thế chiến II. Sau 1975, con đường được đổi tên thành Mạc Thị Bưởi.
Năm 1965, tại góc đường Tự Do và Ngô Đức Kế tọa lạc khách sạn Saigon Palace, tiền thân của Grand Hotel ngày nay. Lịch sử của tòa nhà này bắt đầu từ năm 1929, khi Henry Edouard Charigny de Lachevrotière, Tổng biên tập một tờ báo Pháp, cho xây dựng Grand Hotel Saigon tại số 8 Catinat (nay là Đồng Khởi).
Khách sạn khai trương năm 1930, thay thế một cửa hàng nước giải khát nhỏ trước đó. Năm 1932, khách sạn đổi chủ và đổi tên thành Saigon Palace. Đến năm 1958, theo chính sách Việt hóa tên cửa hiệu, nơi này được gọi là Saigon Đại Lữ Quán.
Sau 1975, cùng với việc đường Tự Do đổi tên thành Đồng Khởi, khách sạn cũng được đổi tên thành Đồng Khởi. Từ năm 1995 đến nay, khách sạn lấy lại tên nguyên thủy là Grand Hotel Saigon, đánh dấu sự trở lại của một biểu tượng lịch sử của thành phố.
Từ tầng cao của khách sạn Majestic, đường Tự Do, toàn cảnh Bến Bạch Đằng hiện ra rõ nét trong trong 2 năm 1967 và 1972: