Chợ Bến Thành – ngôi chợ được xem là biểu tượng của Sài Gòn với kiến trúc đồ sộ nằm nghiêm mình giữa lòng trung tâm thành phố cùng với những tuyến đường sầm uất nối liền các quận huyện. Với những giá trị văn hoá lâu đời được hình thành và phát triển cho đến tận ngày nay và chợ Bến Thành cũng mang trong mình vẻ đẹp cổ kính với những câu chuyện ngắn về tên gọi. Để biết thêm nhiều thông tin về ngôi chợ cổ kính đặc biệt này thì hãy cùng Đỡ Buồn tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
CHỢ BẾN THÀNH – NGÔI CHỢ VỚI DẤU ẤN LỊCH SỬ VƯỢT THỜI GIAN
Chợ Bến Thành có liên quan đến thành Bát Quái của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh xây dựng vào năm 1788, sau khi Nguyễn Vương giành lại được Gia Định từ quân Tây Sơn và việc xây thành này sẽ giúp bảo vệ người dân và ngăn quân địch quay lại xâm lược.
Sai khi thành Bát Quái được hoàn thành, chính quyền cho xây dựng một ngôi chợ nhỏ dựng tạm bợ bằng sườn gỗ và lợp tranh để người dân có thể thuận tiện trong trao đổi mua bán những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết. Do vị trí chợ cũng nằm gần bến sông nên các tàu thuyền lớn nhỏ từ trong nước và quốc tế lưu tới thường xuyên nên vì thế nhiều mặt hàng độc đáo được bày bán rộng rãi tại các sạp hàng. Bên cạnh đó, ngôi chợ nhỏ này chính là tiền thân của chợ Bến Thành.
Số lượng hàng hoá như tơ lụa, gốm sứ, gạo, hoa quả và rau củ, thảo dược được phân phối tại chợ đều có nguồn gốc từ tàu thuyền của các tỉnh miền Tây và miền Trung. Sau khi, vua Minh Mạng cho phá bỏ hoàn toàn thành Bát Quái và cho xây dựng một thành nhỏ ở vị trí Đông Bắc thì nhịp chợ Bến Thành cũng từ đó mà giảm dần. Dù vẫn là ngôi chợ giữ vai trò trọng yếu với người dân nhưng do các sự kiện bạo loạn và xâm lược diễn ra thường xuyên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chợ.
Cho đến đầu năm 1859, khi thực dân Pháp bắt đầu đánh vào Gia Định, thì quân lính ta là đã cho đốt ngôi chợ Bến Thành để tạo nơi cho quân tiếp viện di chuyển trên sông Sài Gòn đến chi viện một cách nhanh chóng. Sau cuộc chiến, chính quyền Pháp đã cho di dời chợ Bến Thành vào bên trong trung tâm thành phố tại vị trí gần con kênh Kinh Lớn (ngày nay là đường Nguyễn Huệ). Dọc theo hướng chợ mới là con đường Charner (một trong những con đường sầm uất bậc nhất Sài Thành với giao thông thuận tiện từ đường bộ cho đến đường thuỷ).
Chợ Bến Thành nằm ở giữa giao điểm khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thuỷ là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu, nên luôn đa dạng các mặt hàng và cửa hiệu ở đây phần nhiều là của người Hoa, Ấn Độ và Pháp. Đến năm 1911, khi phần lớn kiến trúc chợ Bến Thành đã cũ kỹ và có nguy cơ đổ sập nên chính quyền Pháp đã một lần nữa di dời chợ sang một địa điểm khác để xây dựng lại ngôi chợ khang trang hơn.
Địa điểm mới chính là ngôi chợ Bến Thành ngày nay, chợ được khởi công xây dựng lại vào năm 1912 do nhà thầu Brossard et Maupin chịu trách nhiệm thi công và quản lý. Với diện tích hơn 10.000 m2 cùng kiến trúc đậm chất Pháp đã thu hút nhiều tiểu thương cũng như người dân trong và ngoài Sài Gòn đổ về tham quan và mua sắm. Cái tên gọi “Bến Thành” được bắt nguồn từ vị trí ngôi chợ khi luôn nằm giữa các bến cảng lớn giữ và giữ vai trò quan trọng đối với thành Gia Định xưa.
NGÔI CHỢ TRUNG TÂM VÀ ĐẦU MỐI ĐI LẠI LỚN NHẤT ĐÔNG DƯƠNG XƯA
Năm 1914, Chợ Bến Thành ở địa điểm mới được chính thức đi vào hoạt động, để làm tăng tính thuận tiện và thực dụng của chợ mà chính quyền Pháp còn cho xây dựng thêm một đại lộ lớn nối liền chợ Bến Thành với Chợ Lớn. Ngoài ra, mở thêm con đường mới với tên là Gallieni (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) nằm cùng với 2 tuyến đường cũ là Trên (đường Nguyễn Trãi) và Dưới (đại lộ Võ Văn Kiệt hiện tại).
Cho đến năm 1953, nhiều tuyến xe đi từ các khu vực khác vào Bến Thành cũng được thực dân Pháp đưa vào sử dụng để phục vụ người dân. Trước đó không lâu, thì khu vực này đã có ga xe lửa Sài Gòn với tuyến xe lửa đầu tiên tại Đông Dương đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho và ngược lại (được hoạt động từ năm 1886 – 1959).
Chợ Bến Thành được mệnh danh là ngôi chợ hàng đầu đất Lục Tỉnh Nam Kỳ với hơn 1.500 sạp hàng hoá lớn nhỏ, trong đó mặt hàng nông sản thực phẩm đã chiếm đến 400 sạp. Đây cũng là ngôi chợ đầu mối lớn được người dân trong và ngoài Sài Gòn đến lấy hàng với số lượng lớn.
Chợ hoạt động từ 4h sáng đến 7h tối, phía bên hông là chợ đêm để phục vụ ẩm thực và mua sắm cho người dân đến khi tối muộn. Một năm chợ chỉ nghỉ vào chiều ngày 30 Tết và mùng 1 Tết, còn những ngày còn lại trong năm chưa bao giờ thấy chợ hết nhộn nhịp và sung túc. Điểm đặc biệt tạo nên tên tuổi và sự nổi tiếng của chợ Bến Thành là những cô/chú, anh/chị tiểu thương trẻ trung cùng gu thời trang thời thượng và hơn thế nữa là ai cũng biết nói các tiếng như Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Campuchia, Thái rất lưu loát.
Dù chợ Bến Thành đã mất dần đi sự cổ kính do nhiều lần trùng tu và sửa chữa nhưng những giá trị văn hoá có từ lâu đời và sứ mệnh của ngôi chợ vẫn là hình ảnh “tuyệt đẹp” được ghi dấu trong lòng mọi thế người dân cả nước. Ngày nay, chợ Bến Thành là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu tại Sài Gòn với hàng triệu lượt khách đến từ trong và ngoài nước.
Kết thúc bài viết này, Đỡ Buồn hy vọng thông qua những thông tin bổ ích phía trên, có thể truyền tải hết được vẻ đẹp và những giá trị của cây chợ Bến Thành đến với bạn và giúp bạn quý trọng hơn những giá trị lịch sử về địa danh, ẩm thực, văn hoá và con người đáng tự hào của đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng.