Xua

CẦU XÓM CHỈ: NHỊP CẦU LỊCH SỬ GIỮA LÒNG SÀI GÒN

Cầu Xóm Chỉ

Cầu Xóm Chỉ tọa lạc ngay đầu đường Tản Đà và nối liền đường Nguyễn Quyền, là một di tích đáng nhớ trong lòng Sài Gòn. Dù nhỏ bé, cầu đã chứng kiến nhiều thăng trầm của thành phố suốt hơn một thế kỷ. Với thiết kế cao để tàu bè có thể di chuyển thuận lợi bên dưới và cầu chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp, cầu Xóm Chỉ không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của lịch sử và ký ức đô thị Sài Gòn.

CẦU XÓM CHỈ – CÂY CẦU VỚI LỊCH SỬ HƠN 100 NĂM

Bắc qua con kênh Tàu Hủ ở Chợ Lớn, ngoài cầu chữ Y vẫn hiện diện và cầu Chà Và đã được xây mớinhiều cây cầu nhỏ hơn nay đã chìm vào quên lãng, đó là cầu Bình Tâycầu Ba Cẳng, cầu Palicao, cầu Gò Công, cầu Malabars, cầu Chữ U và cầu Xóm Chỉ.

Vào thế kỷ 19, Sài Gòn – Chợ Lớn được biết đến là một trung tâm giao thương sầm uất với hệ thống kênh rạch dày đặc. Từ sông Sài Gòn, đoạn gần cột cờ Thủ Ngữ có một nhánh lớn là rạch Bến Nghé dẫn vào Chợ Lớn. Rạch Bến Nghé lại phân thành nhiều kênh rạch khác, trong đó có rạch Ông Lớn, kênh Tàu Hủ và các kênh đào vào đầu thế kỷ 20 như kênh Tẻ và kênh Đôi.

Rạch Bến Nghé – Kinh Tàu Hủ
Rạch Bến Nghé – Kinh Tàu Hủ

Khi người Pháp đến, họ gọi chung rạch Bến Nghé (ở khu vực quận 1) và kênh Tàu Hủ (thuộc khu Chợ Lớn) là Arroyo Chinois (kênh Người Tàu), bởi đây là nơi tập trung đông đảo người Hoa sinh sống và buôn bán. Phần lớn trong số họ đến từ Cù Lao Phố ở Biên Hòa, sau khi nơi này bị quân Tây Sơn tàn phá, họ di cư về vùng Chợ Lớn, xây dựng cộng đồng và phát triển thương nghiệp dọc hai bờ kênh. Khu vực này, với ghe thuyền tấp nập, trở thành điểm tụ hợp của thương hồ từ khắp nơi, người Hoa gọi là Đề Ngạn, còn người Việt thì gọi là kênh Tàu Hủ.

Arroyo Chinois (Kinh Tàu Hủ) năm 1902
Arroyo Chinois (Kinh Tàu Hủ) năm 1902

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết vào cuối thế kỷ 19), đoạn đường dọc hai bên rạch đi qua khu vực Chợ Lớn từng được gọi là Tàu Khậu, do người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (nghĩa là khu nhà gạch). Sau này, người Việt đã nói trại âm thành Tàu Hủ.

Cầu Xóm Chỉ là một trong ba cây cầu đầu tiên do người Pháp xây dựng trên kinh Tàu Hủ (từ đoạn kinh Đôi đến kinh Lò Gốm) vào cuối thế kỷ 19, cùng với cầu Bình Tây và cầu Malabars. Mặc dù nhỏ bé, cầu Xóm Chỉ vẫn tồn tại suốt 100 năm, từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Bản đồ Chợ Lớn năm 1895 đã ghi nhận sự hiện diện của cây cầu Xóm Chỉ này trên kinh Tàu Hủ.

Cây cầu này có tên gọi đặc biệt vì nó kết nối từ Xóm Chỉ sang Xóm Đầm, hai khu dân cư nằm hai bên bờ kinh. Theo học giả Vương Hồng Sển, cái tên Xóm Chỉ bắt nguồn từ việc người dân ở đây ngày xưa chủ yếu buôn bán kim chỉ và các vật dụng may vá.

Advertisement
Bãi tắm ngựa dưới chân cầu Xóm Chỉ những năm đầu thế kỷ 20
Bãi tắm ngựa dưới chân cầu Xóm Chỉ những năm đầu thế kỷ 20

Cầu Xóm Chỉ tọa lạc ngay đầu đường Tản Đà (Q5) và nối liền với đường Nguyễn Quyền (Q8) ở phía bên kia. Cây cầu tuy nhỏ nhưng được xây dựng khá cao để tàu bè có thể dễ dàng di chuyển bên dưới. Hai đầu cầu có lối đi bằng bậc thang, vì thế cầu chỉ phục vụ cho người đi bộ và xe đạp. Những người đi xe đạp thường phải khiêng xe lên vai để leo lên đoạn dốc đứng của cầu.

Trở lại thời kỳ quân Pháp tấn công Sài Gòn năm 1859, khu vực hiện nay là đường Tản Đà từng là một con rạch nhỏ. Con tàu Pháp mang tên Jaccaréo đã neo đậu tại đây để hỗ trợ việc chiếm đồn Cây Mai. Sau khi rạch được lấp và con đường được hình thành, người Pháp đã đặt tên con đường này là Jaccaréo, vì lúc đó nó khá lớn so với các con đường xung quanh. Đến năm 1955, con đường được đổi tên thành Tản Đà và cho đến nay vẫn giữ nguyên tên, dù hiện tại nó đã trở nên hẹp hơn so với trước đây.

Từ trên cầu Xóm Chỉ nhìn về phía quận 8, đường Nguyễn Quyền. Con đường đi ngang là Bến Bình Đông (tên thời Pháp là quai des Jonques.
Từ trên cầu Xóm Chỉ nhìn về phía quận 8, đường Nguyễn Quyền. Con đường đi ngang là Bến Bình Đông (tên thời Pháp là quai des Jonques.

NHỊP SỐNG XUNG QUANH CẦU XÓM CHỈ

Tại đầu đường Jaccaréo, ngay dưới chân cầu Xóm Chỉ, trước đây từng tọa lạc một trạm xe điện, được biết đến với tên gọi trạm Jaccaréo. Trạm xe điện này tọa lạc trên tuyến đường xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn, chạy dọc theo Đường Dưới (hiện nay là đại lộ Võ Văn Kiệt). Vào thời kỳ Pháp thuộc, con đường chạy dọc theo rạch Bến Nghé và kinh Tàu Hủ (nay là Võ Văn Kiệt) có các tên lần lượt là Quai de l’Arroyo Chinois (sau đổi thành Quai de Belgique), Quai de Choquan (Chợ Quán), và Quai de Mytho (Mỹ Tho).

Trạm xe điện đầu đường Jaccaréo (Tản Đà)
Trạm xe điện đầu đường Jaccaréo (Tản Đà)

Đến năm 1955, Quai de Belgique được đổi thành Bến Chương Dương, Quai de Choquan thành Bến Hàm Tử, và Quai de Mytho thành Bến Lê Quang Liêm. Vị trí đầu cầu Xóm Chỉ, ở đầu đường Tản Đà, là ranh giới giữa Bến Hàm Tử và Bến Lê Quang Liêm (sau năm 1985, Bến Lê Quang Liêm được đổi tên thành Bến Trần Văn Kiểu). Sau khi đại lộ Đông Tây hoàn thành vào năm 2011, ba con đường này đã được hợp nhất thành đại lộ Võ Văn Kiệt.

Trụ điện tín dưới chân cầu
Trụ điện tín dưới chân cầu

Vào đầu thập niên 1990, có một vụ việc đau lòng xảy ra khi một cô gái vì tuyệt vọng đã nhảy xuống kinh Tàu Hủ. Do sự hiếu kỳ của người dân, nhiều người đã leo lên cầu Xóm Chỉ để quan sát, khiến cầu bị sập và nhiều người bị rơi xuống dòng kinh tối tăm.

Bên dưới chân cầu
Bên dưới chân cầu

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *