Uncategorized

Chốn giải trí ở Phú Nhuận trước 1975

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Là thôn, làng, sau thành thị xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định, Phú Nhuận vẫn có những hoạt động không hề kém cạnh các địa phương khác ở Sài Gòn trong lãnh vực giải trí.

Cái nôi của ba đoàn cải lương và gánh hát mang tên “Phú Nhuận”

Thời Pháp thuộc, năm 1930, làng Phú Nhuận đã có đoàn hát cải lương được lập ra ở đây. Đó là đoàn Phước Trung Nam của bà Hai Vân, một đoàn nhỏ chuyên hát tuồng Tàu. Gánh này được lập từ xác gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự. Nghệ sĩ cải lương gạo cội Ba Vân sau chuyến đi diễn ở xứ Bắc trở về đã đi theo hát cho đoàn Phước Trung Nam này. Các đào kép trong đoàn có: kép Ba Giáo dân Bạc Liêu, cô Ba Ngọc Anh làm đào chánh đóng cặp với Ba Vân, đào Hai Vàng ở Mỹ Luông – Long Xuyên, đào Ba Hường (vợ của Ba Tâm, sau đổi tên là Bạch Hường) cũng khá nổi tiếng thời đó, kép Hai Đại ở bên gánh Đồng Bào Nam qua. Thầy tuồng của đoàn là ông Nguyễn Công Mạnh, một soạn giả nổi tiếng, và ông Bảy Phát. Ông Bảy người Bến Tre, cũng đã viết nhiều tuồng, nhất là các loại tuồng về chiến tranh, có các màn bắn súng, đi dây. Gánh Phước Trung Nam không sống được lâu, sau khi gánh rã, đào kép kéo qua gánh Vương Huỳnh cũng được lập trong năm 1930 (theo Nghệ sĩ Ba Vân, Hồi ký kể chuyện cải lương, NXB TP.HCM, 1988).

Sau gánh cải lương Phước Trung Nam, cho đến giai đoạn từ 1954-1975, ở Phú Nhuận hình thành hai đoàn cải lương được xem là đại ban trong giới sân khấu cải lương, đó là đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản và đoàn cải lương Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An và vợ là nghệ sĩ Ngọc Hương.

Chị Kim Nga, một thành viên trên trang facebook “Phú Nhuận ngày xưa” cho biết, trong những năm 1979-1981, nghệ sĩ Hữu Lợi có lập gánh hát nhỏ lấy tên là gánh Phú Nhuận, chỉ hát vòng vòng trong quận. Gánh hát đi tới đâu là mấy bà nội, bà ngoại xách giỏ trầu theo để coi. Mấy năm đó, dù cuộc sống đang khó khăn nhưng giới mê cải lương còn có được thú vui giải trí này. Chị kể: “Mỗi lần gánh chú Hữu Lợi về hát ở chùa Phú Thạnh trên đường Huỳnh Văn Bánh là tôi phải tranh thủ học bài xong sớm để tối còn đi coi hát. Mới đầu còn xách thùng đạn của ba đem theo để… ngồi. Riết rồi leo lên mấy ngôi mộ ngồi cho cao để coi cho sướng mà không ngán gì hết!”. Đó là ký ức vui về một gánh hát lấy tên Phú Nhuận ít ai biết.

Rạp hát ở Phú Nhuận

Rạp Văn Cầm: Là một rạp bình dân, giá vé rẻ nên đông khách, đa số là thanh thiếu niên. Rạp thường xuyên chiếu nhiều loại phim dù có chậm hơn so với các rạp ở Sài Gòn. Phim Hollywood đang trong thời điểm vàng son, với những phim cao bồi viễn Tây và phim La Mã rất được yêu thích khi cho chiếu ở đây. Ông chủ rạp có chiêu thu hút khách qua đường là trước mỗi suất chiếu đều cho máy phát qua loa phóng thanh tiếng hát ca sĩ Hoàng Oanh (lúc đó đang rất được ưa chuộng) sang phía chợ Phú Nhuận đông đúc. Khoảng đầu thập niên 1970, rạp bội thu vì nhiều người mua vé xem phim đánh đấm võ thuật Hồng Kông, như các phim có Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Ngũ hổ tướng

Advertisement
 có Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái… Khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé tới tận đường Cô Bắc, Cô Giang.

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Rạp Cẩm Vân do ông Đội Có xây nên, cho mướn hát bội, hát cải lương và chiếu phim. Theo cuốn 300 năm Phú Nhuận: mảnh đất – con người – truyền thống, khoảng năm 1945, rạp này được cất bằng vách ván, cột gỗ, có mái cao, trước một bãi đất trống. Rạp bị cháy trong một trận đánh giữa quân kháng chiến với thực dân Pháp lúc 10 giờ đêm. Quân kháng chiến đột nhập vào rạp, khống chế gia đình người gác dan, quấn vỏ xe cũ dưới các chân cột, chất ghế gỗ chung quanh tường, gài từng chùm lựu đạn rồi tưới xăng châm lửa. Rạp cháy sập, sau được dựng lại. Khoảng thập niên 1950, rạp có hát cải lương với các tuồng Tàu do ban Đồng Ấu đóng, đoàn cải lương có nghệ sĩ Kim Cương diễn. Thời trước 1975 còn có đồ án làm Thương xá Cẩm Vân nhưng chưa hoàn thành.

Ngoài ra, các đình chùa cũng có đoàn cải lương, hát bội đến diễn, như đình Phú Nhuận, đổi Phú Hữu. Đền Phú Hữu, còn gọi là đình Ông Cọp, là nơi đoàn cải lương Hồ Quảng Huỳnh Long diễn hằng đêm với các nghệ sĩ nổi tiếng: Hữu Lợi, Đức Lợi, Bửu Truyện, Ngọc Đáng, Thanh Thế…

Vũ trường và phòng trà

Trước năm 1975, Phú Nhuận có hai vũ trường và phòng trà có tiếng, không kém các tụ điểm giải trí ở Sài Gòn.

Khiêu vũ trường Victoria Dancing: Có gắn máy lạnh ở số 429 Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng). Ở đây mời được nhiều ban nhạc chơi nhạc khiêu vũ đúng sở thích của khách và có ban kích động nhạc chơi khá tưng bừng, sôi động. Ca sĩ Trúc Mai, từng cộng tác độc quyền ở đây, rất được ái mộ vì cô ít khi có mặt tại các vũ trường mà chỉ xuất hiện trên băng tần số 9 Đài THVN. Ngoài ra, còn có các ca sĩ khác. Vũ trường được báo chí giới thiệu là có nhóm vũ nữ được xem là điêu luyện, không gian ấm cúng, thoải mái, mát mẻ, xe cộ của khách có chỗ đậu và trông coi cẩn thận, giá ăn, uống và ticket rất hợp lý.

Bộ ba nghệ sĩ sáng lập phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu ở Phú Nhuận: Duy Mỹ, Kim Vui và Tùng Lâm.
Nguồn: TLTG.

Phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu: Cuối thập niên 1950, trước khi tham gia cùng tam ca Sao Băng, có một thời gian ngắn nghệ sĩ Duy Mỹ kết hợp với ca sĩ – diễn viên điện ảnh Kim Vui và Tùng Lâm để diễn ca nhạc. Bộ ba này rất được khán giả yêu thích tại phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu, nằm ngay góc đường Thái Lập Thành – Chi Lăng (nay là Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu). Ca sĩ đẹp trai Duy Mỹ thường được khán giả yêu cầu hát nhạc ngoại quốc tại đây. Theo nhà văn Hồ Trường An, đến năm 1962, ông đến phòng trà này và nghe Kim Vui hát với dáng vẻ lộng lẫy: “Chị ưa diện áo đầm hở vai hở ức bằng nhung đen, mang găng tay đen kéo dài khỏi khuỷu tay, tóc uốn quăn nhưng chưa xõa xuống vai. Trông chị rất giống Rita Hayworth trong phim Gilda. Đôi lúc chị mặc áo nhiều tầng xếp, đeo khoen tai to như cô đào loại Vamp: Jare Russell trong cuốn phim L’Ardente Gitane hoặc cô đào Viviane Romance trong phim Carmen.” Tại đây, ca sĩ Phương Dung đã có những đêm diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát.

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *