Đại lộ Trần Hưng Đạo ban đầu mang tên Gallieni là một trong những con đường nổi tiếng nhất của Sài Gòn xưa. Đây là trục đường lớn nhất nối trung tâm Sài Gòn – Chợ Bến Thành đến Chợ Lớn, được xây dựng cách đây hơn 100 năm.
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Đường Trần Hưng Đạo là một tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, nối từ công trường Quách Thị Trang (Quận 1) đến đường Học Lạc (Quận 5). Đây là đại lộ nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn cách đây một thế kỷ và ngày nay tuyến đường vẫn là một trục giao thông quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến đường này bắt đầu từ công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, đi song song với kênh Bến Nghé đến đường Nguyễn Văn Cừ (ranh giới Quận 1 và Quận 5) rồi tiếp tục đi song song với kênh Tàu Hủ và kết thúc tại đường Học Lạc trước nhà thờ Cha Tam.
Vào đầu thế kỷ 20, khu vực đường Trần Hưng Đạo (từ phía đường Abattoir nay là Nguyễn Thái Học trở ra phía Chợ Lớn) vẫn còn là những ruộng lúa mênh mông. Lúc đó, đường Trần Hưng Đạo và chợ Bến Thành chưa được quy hoạch xây dựng. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn còn ngăn cách bởi một vùng đồng không mông quạnh, chỉ có thể đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn qua con đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng) đến Route Haute de Cholon (đường Nguyễn Trãi ngày nay).
Ngay khi chợ Bến Thành khai trương năm 1914, một đại lộ đã được khởi công nối Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1916, con đường đã hoàn thành, trải đất đỏ với tên đại lộ Gallieni. Mang danh đại lộ, nhưng ban đầu, hai bên đường vẫn còn nhiều thửa ruộng hoang vu, nhà lụp sụp không hàng lối, dân lao động chen chúc. Đầu đường cũng là nơi tập trung nhiều gái mãi dâm từ nhiều nước châu Âu và châu Á đến Sài Gòn làm ăn.
Đến năm 1928, đại lộ này được trải đá granit và nhựa, rộng trên dưới 20m với bốn hàng cây hai bên đường đã lên xanh. Chỉ 3 năm sau, năm 1931, đại lộ Gallieni đã góp phần quyết định việc hoàn thành nối kết Sài Gòn – Chợ Lớn thành một khối với quyết định thành lập Khu (Region) Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên đại lộ Galliéni thành đại lộ Trần Hưng Đạo và đổi tên đường Thủy binh thành đường Đồng Khánh.
Sau năm 1975, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhập hai con đường thành đường Trần Hưng Đạo như hiện nay. Đoạn đường Đồng Khánh cũ vẫn thường được gọi là “Trần Hưng Đạo B” do địa chỉ nhà trên tuyến đường vẫn giữ nguyên số nhà cũ.
NHỮNG HÌNH ẢNH VÀ CÔNG TRÌNH NHẬN BIẾT ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO XƯA
Kí ức về Đại Lộ Trần Hưng Đạo dường như đã in sâu vào trong tâm trí của người Sài Gòn xưa. Chúng ta cùng hoài niệm về những hình ảnh và các công trình nhận biết :
ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO NGÀY NAY
Ngày nay, đường Trần Hưng Đạo vẫn là một trong những tuyến đường quan trọng nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối nhiều khu vực trung tâm và ngoại ô. Dọc theo tuyến đường, có nhiều công trình kiến trúc, cửa hàng và dịch vụ, tạo nên một không gian đô thị sôi động. Đặc biệt, khu vực này còn nổi bật với các hoạt động thương mại và văn hóa, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Với sự phát triển không ngừng của Thành phố Hồ Chí Minh, đường Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện và mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng. Các dự án quy hoạch đô thị cũng đang được triển khai để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra những không gian sống hiện đại dọc theo tuyến đường này.