Xua

Đường phố Sài Gòn tuyệt đẹp năm 1964-1965 qua những hình ảnh của Iparkes

Bộ ảnh màu tuyệt đẹp chụp Sài Gòn thời điểm gần 60 năm trước (giai đoạn 1964-1965) của một nhân viên quân sự Mỹ được biết tới với biệt danh là là Iparkes (không rõ tên thật).


Trại Davis, là trại quân sự của Hoa kỳ nằm ở phía Tây Nam Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt.

Ban đầu, đây là một trại cư trú của một nhóm công tác an ninh quân đội Hoa Kỳ, được xây dựng vào khoảng giữa năm 1961. Tuy được xây dựng tạm theo tiêu chuẩn lính thường, nhưng cơ sở vật chất cũng tạm đủ với khu nhà ở, làm việc, nhà ăn, sân thể thao, tháp nước… trên diện tích khoảng 33.000m2. Trại có khoảng 45 căn nhà để ở rộng 5m, dài 15m, mái lợp tôn ximăng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn gỗ cách đất khoảng nửa mét.

Trại này được đặt theo tên của một người hạ sĩ chuyên viên tên là James Thomas Davis, từng làm việc trong trại nhưng đã bị ám sat. Để tưởng niệm, ngày 10 tháng 1 năm 1962, các bạn bè trong Tổ đã đặt trại cư trú của mình theo tên ông.

Sau hiệp định Paris, quân đội Mỹ rút hết về nước, trại Davis bị bỏ hoang từ năm 1973. Sau năm 1975, nơi này thời gian được sử dụng làm nơi làm việc của tướng Trần Văn Trà, với tư cách là Tư lệnh quân quản Sài Gòn. Một thời gian dài trại bị bỏ hoang và hiện nay hầu như bị hư hại hoàn toàn.


Một buổi tiệc nhân lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) cuối năm 1964 bên trong trại Davis.


Cây thông Noel dịp Giáng Sinh năm 1964 bên trong trại Davis.


Công viên Vạn Xuân nhìn từ phía đường Pasteur. Công viên này nằm ở vị trí rất đẹp, vuông vức, chính giữa 4 con đường Pasteur – Phan Đình Phùng – Công Lý – Trần Quý Cáp (nay là Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần).

Vì công viên Vạn Xuân nằm tiếp giáp với đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), nên sau 1975, khi công viên này được phá bỏ để xây dựng một nhà thi đấu thế thao và mang tên là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Năm 2010, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được chấp thuận đầu tư nâng cấp thành một khu liên hiệp lớn, nhưng dự án này cho tới nay vẫn chưa khởi động và trở thành một khu đất hoang.


Một hình ảnh thú vị của khu đất mà sau này quen thuộc với người Sài Gòn gọi là Hồ Con Rùa. Ban đầu khi người Pháp quy hoạch xây dựng Sài Gòn thì đây là vị trí của tháp cung cấp nước cho thành phố, cùng với hệ thống nhà máy nước bên cạnh. Năm 1921, tháp nước bị phá bỏ νì dân số đã tăng ᴄaᴏ, không ᴄòn đáp ứng đượᴄ nhu ᴄầu ᴄung ᴄấp nướᴄ ᴄhᴏ Sài Gòn nữa. Thay νàᴏ đó, ᴄhỗ này đượᴄ xây một hồ nướᴄ nhỏ, ở ᴄhính giữa là tượng đài 2 người lính Pháp, trên đỉnh tháp là tượng thánh nữ Jeanne D’Arce. Tên ᴄhính thứᴄ ᴄủa vị trí này lúc đó là Công trường Maréᴄhal Jᴏffrе. Cụm tượng đài này vẫn còn nguyên sau 2 thời điểm lịch sử là 1945 và năm 1954. (xem bài chi tiết về tượng đài này tại link: https://chuyenxua.net/cau-chuyen-ve-nhung-tuong-dai-o-sai-gon-thoi-phap-thuoc-bai-2-tuong-dai-chien-si-phap-tung-nam-o-vi-tri-ho-con-rua/)

Năm 1955, chính quyền VNCH đổi tên công trường Maréchal Joffre thành công trường Chiến Sĩ, theo tên của cụm tượng đài này.

Đó là tháng 7/1964, trong dịp kỷ niệm tròn 10 năm ký hiệp định Geneve, Tổng hội sinh viên Sài Gòn đã tổ chức những cuộc mít tinh và biểu tình lớn để chống Pháp, vì cho rằng Pháp là một trong những phe ký hiệp định chia cắt Việt Nam, và chống lại đề xuất của tống thống Pháp lúc đó là Charles de Gaulle đã kêu gọi trung lập hóa miền Nam. Ngày 29/7/1964, những người biểu tình đã dùng dây thừng kéo đổ tượng đài 2 lính Pháp và tượng thiên thần bảo hộ trên đỉnh tháp. Kết quả, cụm tượng đài này chỉ còn lại một cái trụ, như trong hình bên trên.

Tới năm 1967, chính quyền cho xây dựng hồ Con Rùa, khi đó thì cái trụ bên trên mới chính thức bị xóa sổ.


Chợ cá Trần Quốc Toản nằm góc đường Lý Thái Tổ – Nguyễn Tri Phương – Trần Quốc Toản (nay là đường Ba Tháng Hai). Chợ được mở từ đầu thập niên 1960, trở thành chợ đầu mối cung cấp thủy hải sản cho các chợ khác của khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Vì đây là chợ cá nên có lẽ nhiều người vẫn chưa quên được “mùi vị” đặc biệt của nó mỗi khi đi ngang qua.


Nhà thờ Đức Bà, với hình ảnh nam thanh nữ tú ăn mặc lịch sự đang đi bộ trước quảng trường Công trường Tổng thống John F. Kennedy (nay là Công trường Công xã Paris). Cận cảnh là một chiếc taxi Renault 4CV màu xanh-vàng kem mang tính biểu tượng của đường phố Sài Gòn trước 1975.


Đường Tự Do, ngay góc đường Tự Do – Ngô Đức Kế. Đi thẳng ra một đoạn ngắn nữa là tới Bến Bạch Đằng, với Majestic Hotel nằm ở đầu đường (bên phải). Cận cảnh là phòng vé của TWA (Trans World Airlines) – một hãng hàng không lớn ở Hoa Kỳ thời đó, hoạt động từ năm 1930 cho tới khi được American Airlines mua lại năm 2001.


Một hình ảnh kỳ lạ của trung tâm Sài Gòn khoảng đầu năm 1965. Rất nhiều người thắc mắc vì sao lại có đường hào hình zic zac kém thẩm mỹ như vậy bên trong công viên Đống Đa nằm ngay trước Tòa Đô Chánh, là trung tâm của đô thành Sài Gòn. Như trong hình này, đường hào được đắp ngay sát bùng binh Bồn Kèn, bên phải hình là Thương xá TAX.

Nhìn lại lịch sử, vào đầu tháng 2 năm 1965, không lực VNCH dưới sự lãnh đạo của chuẩn tướng tư lệnh Nguyễn Cao Kỳ đã tham gia những phi vụ được gọi là “Bắc phạt”, cùng với quân đội Hoa Kỳ thực hiện ném bom lên các vùng nằm phía trên vĩ tuyến 17, nhằm phá hủy hệ thống giao thông, đường tiếp liệu, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không của VNDCCH. Bên phía chính quyền VNDCCH gọi đây là “chiến tranh phá hoại”, còn phía Hoa Kỳ gọi tên các chiến dịch này là Mũi Lao Lửa, sau đó là Sấm Rền.

Các chiến dịch này được Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8 năm 1964, nhưng qua đầu năm 1965 thì không lực VNCH mới cùng tham gia. Vào lúc đó, chính quyền VNCH đã cho “đắp các đường tránh bom” này tại các công viên ở khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, với lời tuyên truyền là “đào sẵn để phòng vệ, đề phòng miền Bắc đem máy bay vô Sài Gòn ném bom trả đũa”, và dùng lực lượng sinh viên, học sinh lúc đó đi đắp các mô đất này. Tuy nhiên đó chỉ là cách tuyên truyền của nhà cầm quyền, vì thực tế lúc đó miền Bắc không có khả năng đem máy bay vào tận Sài Gòn ném bom.

Các đường “hào tránh bom” này được xóa bỏ sau đó không lâu, trả lại mỹ quan cho thành phố.


Hình ảnh Tòa Đô Chánh và công viên Đống Đa trước khi hệ thống mô hào được đắp.


Các máy bay do thám đang đậu ở phi trường Tân Sơn Nhứt.

Advertisement

Trực thăng quân đội.


Sảnh chính của phi trường Tân Sơn Nhứt 60 năm trước, với dãy quầy thủ tục của nhiều hãng hàng không khắp thế giới.


 

Bãi nhiên liệu trong phi trường Tân Sơn Nhứt bị trúng pháo kích.


Một chương trình của USO tổ chức với show diễn của diễn viên hài nổi tiếng Bob Hope diễn ra ở CLB Không quân Hoa Kỳ bên trong phi trường Tân Sơn Nhứt. USO (United Service Organizations) là tổ chức phi lợi nhuận của tư nhân nhằm mục đích cung ứng các dịch vụ tinh thần và giải trí cho lính Mỹ với 160 cơ sở trên khắp thế giới. Từ 1941 tổ chức này đã liên kết với Bộ Quốc phòng Mỹ để hỗ trợ và giúp đỡ về mặt giải trí cho quân đội Mỹ.

Phi trường Tân Sơn Nhứt nhìn từ phi cơ vừa cất cánh.


Xe lam, một trong những phương tiện giao thông phổ biến trên đường phố Sài Gòn thời đó.


Hình ảnh Đền Hùng Vương nằm bên trong Thảo Cầm Viên. Ngôi đền này được người Pháp xây dựng khoảng 100 năm trước để tưởnɡ niệm nhữnɡ nɡười Việt tử trận νì đi lính ᴄhᴏ Pháp trᴏnɡ Thế ᴄhiến thứ nhất, được gọi là Đền Kỷ niệm (Tеmplе dе Sᴏuνеnir).

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi thành Khổng Thánh Miếu (đền thờ Khổng Tử). Năm 1965, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương là Nguyễn Cao Kỳ cho đổi thành Đền Quốᴄ Tổ Hùnɡ Vươnɡ, ngoài việc thờ các vua Hùng còn thờ thêm những nhân νật lịᴄh sử kháᴄ như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưnɡ Đạᴏ…

Hội thánh Báp-Tít Ân Điển (Baptist Convention Of Vietnam) nằm ở số 217 Công Lý, nay vẫn còn (đã xây tòa nhà mới) nằm ở số 161 Nguyễn Văn Trỗi. Hội thánh Tin Lành này tới Việt Nam từ năm 1959, vẫn còn tới ngày nay, nằm ở chỗ ngã tư Nguyễn Văn Trỗi – Nguyễn Đình Chính.


Chi hội Thánh Báp-Tít Ân Điển bên đường Ngô Tùng Châu ở Gia Định, nay là đường Nguyễn Văn Đậu ở Bình Thạnh.


Bùng binh Bồn Kèn và đại lộ Nguyễn Huệ, nhìn từ phía trước khách sạn REX.


Ảnh về đêm của rạp chớp bóng REX nằm bên trong REX Hotel.


Bãi đậu xe nằm trong công trường Lam Sơn, nhìn qua Thương xá TAX.


Một hình ảnh thú vị của Nhà hát Sài Gòn thời điểm 1964-1965, lúc nó mang tên Nhà Văn Hóa.

Nhắc lại lịch sử tên gọi của tòa nhà này, ban đầu vốn là nhà hát (Municipal Theatre), tới năm 1955 bị đổi công năng thành Trụ sở Quốc Hội dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 đã kết thúc nền Đệ nhất Cộng Hòa, Quốc hội bị giải tán. Thời điểm 1963 tới 1967, nền chính trị ở VNCH trải qua một giai đoạn được gọi là “quân phiệt lâm thời”, không có Quốc hội, mà nằm dưới sự quản lý của những chính thể được gọi tên là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (1963-1964), sau đó là Thượng Hội đồng Quốc gia (tháng 9 tới tháng 12 năm 1964), chính phủ dân sự của thủ tướng Phan Huy Quát (1964-1965), Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (1965-1967), trước khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập năm 1967 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Bởi vì vậy, giai đoạn 1963-1967, khi không có Quốc hội thì tòa nhà cũ được gắn tên thành Nhà Văn Hóa, như trong hình bên trên.

Cảnh sát công lộ làm nhiệm vụ trên đường Tự Do, ngay trước Nhà văn hóa

Tháng 4 năm 1967, Đệ nhị Cộng hòa được thành lập, dẫn tới Quốc hội được tái lập, và được chia thành lưỡng viện (Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện). Lúc này Nhà Văn Hóa (tức trụ sở Quốc hội cũ) trở thành trụ sở của Hạ Nghị Viện cho tới năm 1975.

Sau khi Việt Nam thống nhất, VNCH sụp đổ, tòa nhà này mới được trả lại công năng ban đầu là một Nhà hát.


Hình ảnh rạch Thị Nghè, phía bên kia là khuôn viên của sở thú (Thảo Cầm Viên)


Lầu vọng cảnh hình bát giác nằm trong vườn dinh Độc Lập, ngày nay vẫn còn, nằm ở mé đường Hồng Thập Tự (nay là đường NTMK). Lầu vọng cảnh này được xây đồng thời với dinh Độc Lập, khi nó mang tên là dinh Norodom xây vào năm 1865.


Ngã tư Công Lý – Yên Đổ (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng). Đường có người đi bộ đội nón lá là đường dành riêng cho xe không động cơ (xe đạp, xích lô đạp…).


Đế tượng đài để trống ở công trường Mê Linh. Đây là một hình ảnh quen thuộc chỉ có thể thấy trong giai đoạn năm 1964-1967. Vào tháng 2 năm 1962, chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm cho khánh thành tượng đài Hai Bà Trưng nằm ở công trường Mê Linh, đầu đường Hai Bà Trưng. Tuy nhiên người dân Sài Gòn thời đó cho rằng gương mặt của tượng Trưng Trắc – Trưng Nhị được khắc họa y hệt khuôn mặt của 2 mẹ con bà Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Thủy (vợ và con của ông Ngô Đình Nhu). Vì vậy sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1/11/1963, người ta đã kéo đổ tượng, chỉ còn phần đế tượng bỏ không như hình bên trên. Phải qua tới năm 1967 thì tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo mới được xây dựng ở vị trí này, với phần đế được xây bao phủ bên ngoài phần đế cũ.


Hình ảnh đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn) nhìn từ dinh Độc Lập, đường Công Lý. Ngã tư phía trước là Thống Nhứt – Pasteur.


Pháp trường cát đặt trên vỉa hè chỗ tòa nhà Sở Hỏa Xa gần chợ Bến Thành, nơi xử tử những người phạm trọng tội trong giai đoạn 1964-1967.


Khách sạn Caravelle về đêm. Khách sạn được khánh thành năm 1959, và là nơi họp của một nhóm các chính khách đối lập với chính quyền đã góp phần trong việc lật đổ Đệ nhất Cộng Hòa, được gọi là “nhóm Caravelle”.


Sông Sài Gòn nhìn từ tầng thượng của khách sạn Caravelle.


Hình ảnh trên sân thượng Caravelle.


Hình ảnh một đoàn tang.



Tòa lãnh sự quán Anh trên đại lộ Thống Nhứt, nay vẫn còn trên đường Lê Duẩn, mang phong cách kiến trúc tân thời vào lúc đó. Tòa nhà nằm kế bên rạp Norodom cũ (hí viện Thống Nhứt), nơi diễn ra xổ số kiến thiết hàng tuần.


Cư xá sĩ quan Mỹ (còn được gọi là khách sạn Brinks), là nơi ở của những sĩ quan cao cấp Mỹ, hình ảnh sau khi bị biệt động Sài Gòn tấn công. Vị trí Brinks ngày nay là khách sạn 5 sao Park Hyatt, đầu đường Hai Bà Trưng.


 

Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, ngày nay là trụ sở Quân Khu 7 ở đường Hoàng Văn Thụ. Đây là cơ quan quân đội nên đằng trước có bảng ghi Cấm Chụp Hình.


 

Căn biệt thự nổi tiếng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, nằm ở góc đường Hồng Thập Tự – Duy Tân, nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch. Trước 1975 là biệt thự của ông bà Ưng Thi (chủ rạp Rex). Có một thời gian ông bà Trần Văn Chương (song thân của bà Nhu) ở đây.

Sau năm 1975, có một thời gian nơi này là trụ sở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Sau khi lãnh sự quán chuyển qua đường Hai Bà Trưng như hiện nay, tòa nhà này được cho thuê để mở nhà hàng Con Gà Trống. Nhà hàng cũng đã bị đóng cửa sau dịch COVID, ngày nay cho thuê quán cà phê.

Advertisement

 chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *