Xua

Ký ức chợ trời trên vỉa hè Sài Gòn xưa

Với nhiều người Sài Gòn đã từng sinh sống trước năm 1975, ký ức về những khu “chợ trời” có lẽ vẫn còn in đậm trong tâm trí. Cho dù mang tiếng là chợ trời, bày bán những mặt hàng không chính ngạch, nhưng những khu chợ vỉa hè này vẫn mang được văn hóa nhã nhặn, uy tín, chứ không chụp giựt, thậm chí là lừa đảo như chợ trời hiện nay.

Nền kinh tế trên vỉa hè ở Sài Gòn vốn đã được hình thành từ rất lâu, khi thành phố này bắt đầu có giao thương sầm uất, đặc biệt là ở khu chợ cũ trên đường Kinh Lấp. Sau này người Pháp lấp kênh Lớn, đổi tên thành đại lộ Charner và xây chợ Bến Thành mới năm 1914 để việc buôn bán của tiểu thương được quy củ hơn, nhưng thói quen buôn bán vỉa hè của dân Sài Gòn, nhất là dân người Hoa và người Ấn vẫn còn.

Từ những năm 1960, từ chốn tao nhã, trên những vỉa hè Sài Gòn mọc lên vô số chợ trời, thậm chí cả ở những nơi sang trọng như vỉa hè 2 trục đường lớn nhất Sài Gòn là Nguyễn Huệ và Lê Lợi, gần khu Thương Xá Tax hình thành chợ trời tự phát trên vỉa hè, bày bán những món hàng từ Trung Quốc, Kampuchea hay hàng Mỹ viện trợ. Hoặc khu vỉa hè đường Lê Lợi gần Công Lý là chợ trời bán sách lớn nhất miền Nam và người ta có thể tìm mua được những quyển tiểu thuyết, sách báo đủ các thể loại.

Chợ sách cũ vỉa hè này được ký giả Sài Gòn thời đó mô tả trong trang báo năm 1972 đăng trên Đời như sau:

“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”

Khu bán sách góc Công Lý – Lê Lợi

Khu này ban đầu chỉ có vài gian sách nhỏ, sau đó lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Nhưng dần dần vì không thể dẹp bỏ được nhu cầu mua bán chính đáng nên khu bán sách này được chính quyền chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày.

Nhắc đến chợ trời, không thể không nhắc đến khu Chợ Cũ bên đường Hàm Nghi, bày bán nhiều mặt hàng kéo dài từ Phủ Kiệt (nay là Hải Triều) qua các ngả đường Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), Tôn Thất Đạm, Pasteur và đến tận chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Đây là các khu chợ trời được hình thành bao quanh khu chợ cũ mà trung tâm là ở đường Võ Di Nguy, Tôn Thất Đạm.

Một số hình ảnh Chợ Cũ bên đường Hàm Nghi giai đoạn 1955-1975:

Bánh mì Sài Gòn ở Chợ Cũ đại lộ Hàm Nghi thơm ngon nổi tiếng

Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi từng nổi tiếng là khu chợ lề đường bán chim và thú nuôi khác.

Không rõ khu chợ thú nuôi này hình thành từ lúc nào, theo tác giả Ngô Kế Tựu thì có lẽ cũng như bên đường Tôn Thất Đạm hồi đầu thập niên 1950 chỉ là vài mươi sạp chợ tụ họp buôn bán những thứ cần thiết cho nhu cầu dân chúng quanh vùng, rồi qua thời gian theo kiểu buôn có bạn bán có phường, nhiều người kéo nhau dựng sạp bên lề đường bày bán, tụ họp thành khu chợ.

Chợ thú nuôi chỉ là một đoạn ngắn hơn trăm thước trên vỉa hè đường Hàm Nghi, người ta bày bán từ phía dưới ngã tư đường Công Lý (nay là NKKN) qua đến ngã tư Pasteur. Có chỗ dựng sạp bằng tôn, tối về sập xuống khóa lại, có chỗ che dù căng bạt buôn bán đủ loại thú nuôi. Có khi người ta mang gà chọi ra đá bên đường xe lửa giữa đường Hàm Nghi, người đi đường dừng lại xem rất đông, có khi lấn ra tới lòng đường xe chạy.

Chợ thú nuôi ở Hàm Nghi

Sau năm 1975, chợ thú nuôi Chợ Cũ ngưng bán một thời gian ngắn, vài năm thì chợ này họp lại bán chó mèo, cá cảnh và gà đá. Thời gian sau “đổi đời”, nhiều người đi trại về bị thất nghiệp không biết làm gì nên theo bạn bè ra chợ bán chó mèo đường Hàm Nghi kiếm sống qua ngày, đến năm 1990 thì đường này giải tỏa, một số người tập trung qua đường Lê Hồng Phong (đường Petrus Ký cũ) để mua bán.

Chợ bán vải ở đường Hàm Nghi

Chợ Cũ là tên gọi của chợ Bến Thành cũ trước khi chuyển qua chợ Bến Thành của ngày nay từ năm 1914. Khu chợ cũ dù không còn nhà lồng, hoạt động không chính thức nhưng vẫn sầm uất trong một thời gian rất dài. Trung tâm của Chơ Cũ nằm trên 2 con đường Võ Di Nguy và Tôn Thất Đạm với các sạp bán hàng của các tiểu thương, riêng bên Hàm Nghi và Huỳnh Thúc Kháng thì bày bán lề đường hình thành nên khu chợ trời.

Advertisement

Chợ trời Huỳnh Thúc Kháng bày bán hầu như tất cả các loại mặt hàng cả cũ lẫn mới, nhưng chuyên về đồ điện tử, radio, băng dĩa, các loại điện tử gia dụng như nổi cơm điện, quạt, bàn ủi, nơi đây người ta bán gần như với bất kỳ giá nào, chỉ cần nói giá tiền thì chủ tiệm sẽ mang ra mặt hàng phù hợp.

chợ trời Huỳnh Thúc Kháng

Ngoài ra dân chợ trời Sài Gòn cũng thường “săn” các mặt hàng xa xỉ phẩm rồi mang ra lề đường bán kiếm lời. Rất nhiều quầy hàng bán đồ PX Mỹ, được tuồn ra lén lút từ các cửa hàng PX (Post Exchange, hệ thống phân phối hàng hóa dành cho quân đội Mỹ tại nhiều tỉnh thành miền Nam Việt Nam).

Xen lẫn trong những mặt hàng chợ trời cũng có hàng kém chất lượng, nhưng nếu biết lựa mua thì có rất nhiều mặt hàng chợ trời giá rẻ nhưng dùng rất tốt, đồ đạc xài ít bị hư. Như nồi cơm điện những hiệu như National (nay là Panasonic) nấu cơm rất ngon và bền. Những chậu bằng sứ của Miên, những đồ hộp thức ăn của Mỹ, mỹ phẩm của Nhật, Pháp đều rất tốt.

Ngày xưa không khí những khu chợ này cũng không hỗn độn. Tuy có tên là chợ đen hay chợ trời nhưng đây là nơi trao đổi giữa người thừa đồ và kẻ chưa bao giờ bước chân ra ngoại quốc có được những món thông dụng, hoặc được nếm thử những món ăn bình dân ở xứ người qua phần lương thực của Mỹ.

Ngoài ra “nền kinh tế chợ trời” cũng là nguồn sống cho số lượng lớn người ở quê lên Sài Gòn mưu sinh. Thập niên 1960, ngoài Sài Gòn và các đô thị lớn ra thì cuộc sống ở nhiều vùng quê vẫn rất khó khăn. Người miền Trung, miền Tây đổ lên Sài Gòn để kiếm sống, cũng là để tránh chiến sự. Nơi chợ trời họ bán cũng là nơi tá túc qua ngày, lăn xả kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình.

Nơi mua bán cũng là nơi ở

Sài Gòn có rất nhiều khu chợ trời, nếu như chợ Huỳnh Thúc Kháng và Nhật Tảo bán đồ điện tử, chợ Tân Thành đặc biệt phụ tùng xe gắn máy, xe đạp, chợ trời Tôn Thất Thiệp bán quần áo cũ, chợ trời Nguyễn Thông chuyên bán đồ ăn của Mỹ… thì nếu muốn tìm một mặt hàng khó tìm, chỉ cần tới khu chợ trời Dân Sinh trên đường Yersin. Cái tên Dân Sinh được dịch dân dã từ tên đường Yersin, tuy nhiên nó đã thể hiện được sống động với mặt đời của dân lao động khi đó.

Dù chợ này có nhà lồng chứ không phải là bày bán trên vỉa hè, nhưng vì là khu chợ bày bán đủ thứ linh tinh nên người ta quen gọi là chợ trời.

Theo tác giả Trang Nguyên, Khu Dân Sinh nguyên trước kia là sòng Kim Chung ngay khu vực Cầu Muối (quận Nhất) do Bảy Viễn điều hành cùng sòng bài Ðại Thế Giới ở quận Năm (quận Năm còn một sòng Kim Chung khác, sòng này nhỏ nằm gần Bưu Ðiện quận 5 ngày nay).

Sòng Kim Chung hấp dẫn dân lao động mê trò đỏ đen ở quanh Chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh và các kho hàng, kho lúa dọc hai bên Bến Chương Dương. Ðây là hai ngôi chợ đầu mối lớn nhất ở Sài Gòn. Dân tứ xứ lên Sài Gòn kiếm sống bị thu hút về đây rất nhiều.

Sòng Kim Chung đóng cửa năm 1954, từ sau đó nơi này tập trung của giới cầm đồ, sau khi người cầm không có tiền chuộc lại thì chủ cầm đồ bỏ ra bán tháo bán đổ để gỡ vốn. Dần dà, người có mắt kinh doanh đứng ra thu mua mọi thứ của người bán vì cần tiền. Người phải dọn nhà đi xa không tiện mang theo đồ lỉnh kỉnh, hay người không có nhu cầu sử dụng một vật gì nữa đều mang đồ đến đây để bán lại.

Mời các bạn xem một số hình ảnh khác của chợ trời Sài Gòn xưa:

Dãy phố trên đường Lê Thánh Tôn, cửa Bắc chợ Bến Thành

chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: flickr manhhai

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *