Thủ Đức là tên gọi của một khu vực rộng lớn ở phía Đông của Sài Gòn. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 1960, Thủ Đức là một quận của tỉnh Gia Định, khi đó Thủ Đức bao gồm cả vùng Quận 2 và Quận 9 sau này.
Năm 1967 xã An Khánh được cắt khỏi quận Thủ Đức, nhập vào Quận 1 của Đô thành Sài Gòn và được chia thành hai phường là An Khánh và Thủ Thiêm. Sau đó, 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm lại được tách ra để thành lập Quận 9 của Đô thành Sài Gòn. Qua năm 1972 trên địa bàn Thủ Đức lại được lập thêm một xã mới là xã Phước Bình.
Sau năm 1975, tỉnh Gia Định sáp nhập vào với Sài Gòn, Quận Thủ Đức trở thành Huyện Thủ Đức, đồng thời Quận 9 bị giải thể và nhập trở lại vào Thủ Đức như cũ.
Năm 1997, Huyện Thủ Đức lại tách ra thành 3 quận: Quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9.
Đến đầu năm 2021, các quận 2,9, Thủ Đức lại được nhập chung với nhau để trở thành Thành Phố Thủ Đức.
Như vậy có thể thấy vùng đất Thủ Đức có một quá trình chia, tách, nhập ranh giới khá phức tạp giữa các vùng Gia Định, Biên Hòa và Sài Gòn. Tuy nhiên, khi nhắc tới Thủ Đức thì người ta nghĩ đến vùng trung tâm Thủ Đức là chợ Thủ Đức với con đường Võ Văn Ngân (ngày xưa mang tên đường Hoàng Diệu) nối dài từ chợ Thủ Đức đến Ngã 4 Thủ Đức, và con đường Kha Vạng Cân (ngày xưa mang tên Nguyễn Tri Phương) song song với đường xe lửa nối chợ Thủ Đức với Sài Gòn.
Từ trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ, địa bàn vùng đất Thủ Đức ngày nay tương ứng với phần lớn huyện Ngãi An của phủ Phước Long và huyện Long Thành của phủ Phước Tuy, đều thuộc tỉnh Biên Hòa. Khi đó Thủ Đức là một vùng đất gò đồi tương đối cao, nối liền với những vùng sườn tích cổ thuộc nền văn hóa tiền sử ở lưu vực sông Đồng Nai.
Nguồn gốc của tên gọi Thủ Đức vẫn còn một số nghi vấn, nhưng hầu hết đều chấp nhận rằng nó bắt nguồn từ tên hiệu của ông Tạ Dương Minh (tự Tạ Huy), người có công khai hoang lập ấp, nên người dân lấy tên hiệu của ông là Thủ Đức để đặt tên cho vùng đất này. Cách giải thích này được chấp nhận một cách chính thống từ chính quyền thành phố Thủ Đức.
Tại khu mộ của ông Tạ Dương Minh hiện nay vẫn còn tại số 10 phường Linh Chiểu, chính quyền có dựng một bảng thông tin ghi rằng ông Tạ Dương Minh tên hiệu là Thủ Đức, không rõ năm sinh và năm mất, là một trong những người thuộc nhóm phản Thanh phục Minh từ Trung Quốc sang nước ta, được chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông. Trong những năm 1667 – 1725, tại vùng Linh Chiều Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt và chống chọi với bệnh tật, thú dữ, đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triền. Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đấy Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay.
Như vậy, theo thông tin chính thức từ chính quyền thì ông Tạ Dương Minh đã sinh sống ở vùng đất Thủ Đức ngày nay từ trước khi Lễ Thành Hầu mở cõi Nam Bộ xác lập chủ quyền cho người Việt ở vùng đất Đồng Nai (năm 1698).
Sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của tác giả Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 ca ngợi công lao của ông Tạ Dương Minh như sau:
“Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng mới đây
Bởi làng xin bạc đổi xây mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưởi trùng tân giai thành
Hương chức ở rất hậu tình
Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều”.
Việc địa danh Thủ Đức chắc chắn có liên quan đến ông Tạ Dương Minh, nhưng việc vùng đất này có phải được đặt tên theo tên hiệu của ông hay không thì vẫn có sự nghi vấn. Theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi thì từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ thấy các nhà Nho lấy các địa danh để đặt tên hiệu, chứ chưa có trường hợp nào ngược lại. Chẳng hạn Nguyễn Du lấy hiệu từ làng Tiên Điền, Nguyễn Khắc Hiếu lấy hiệu Tản Đà từ núi Tản Viên và sông Đà, Trần Tế Xương lấy hiệu Vị Xuyên. Vì vậy có nhiều người đã hoài nghi phải chăng ông Tạ Dương Minh sinh sống ở vùng đất Thủ Đức đã lấy tên Thủ Đức làm tên hiệu cho mình? – Chứ không phải là ngược lại.
Một bằng chứng khác, nếu dựa theo kiến trúc khu mộ của ông Tạ Dương Minh thì cho thấy ông sống vào thời Minh Mạng (thế kỷ 19), trong khi đó tên gọi Thủ Đức đã có từ trước năm 1772 (thế kỷ 18), vì trong cuốn Tự vị Annam-Latin của Pierre Pigneau de Béhaine (được biết đến với tên tiếng Việt là Bá Đa Lộc, tức Cha Cả) đã thấy xuất hiện địa danh này. Nếu dựa theo giả thiết này thì tên gọi Thủ Đức có trước thời của ông Tạ Dương Minh.
Trở lại với địa danh Thủ Đức, sau đây mời các bạn xem lại hình ảnh Thủ Đức 100 năm trước:
–
–
Nhắc đến Thủ Đức trước 1975, người ta thường nhớ đến các địa điểm nổi tiếng như chợ Thủ Đức, ngã tư Thủ Đức, quân trường Thủ Đức, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa đi ngang qua Thủ Đức, nhà máy nước Thủ Đức, làng đại học ở Thủ Đức…
Mời các bạn xem lại hình ảnh Thủ Đức thập niên 1960-1970:
–
Hình ảnh chợ Thủ Đức xưa:
Hình ảnh Quân trường Thủ Đức nổi tiếng ở xã Tăng Nhơn Phú:
Hình ảnh Trường Lasan Mossard ở đường Hoàng Diệu – Thủ Đức, được thành lập từ năm 1894. Sau 1975 thành trường trung cấp kĩ thuật nghiệp vụ Thủ Đức, nay là trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức trên đường Võ Văn Ngân, ở gần chợ Thủ Đức, sát bên nhà thờ Thủ Đức. Đây được xem là trường đẹp nhất trong số các trường Lasan ở Sài Gòn:
Hình ảnh nhà thờ Thủ Đức:
Những hình ảnh của trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức, trực thuộc đại học sư phạm Sài Gòn:
Đây là một trong ba trường trung học Kiểu Mẫu đầu tiên tại Việt Nam, ngoài trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế và trường Trung Học Kiểu Mẫu Cần Thơ.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường sư phạm thực hành tạo cho các giáo sinh Đại Học Sư Phạm có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với học đường, học sinh, và các đồng nghiệp tương lai…
Trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường trung học duy nhất lúc bấy giờ bao gồm cả giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp (nên được gọi là chương trình Giáo Dục Tổng Hợp).
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức được khởi công xây cất ngày 26/5/1963 và hoàn tất ngày 30/3/1964. Người vẽ kiểu trường là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã 1955 và cũng là người vẽ kiểu Dinh Độc Lập.
Trường nằm trên một ngọn đồi bên cạnh xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Trường gồm một đại giảng đường với 1200 chỗ ngồi, một khu văn phòng và hai dãy lầu với 30 phòng học, 6 phòng thí nghiệm (vật lý, hóa học và sinh vật), một thư viện và văn phòng phẩm, một xưởng công kỹ nghệ đầy đủ dụng cụ cơ xưởng, đồ in và bàn kỹ nghệ họa, 3 phòng doanh thương với hơn 40 máy đánh chữ, 8 phòng dành cho kinh tế gia đình, trang bị đầy đủ dụng cụ như máy may, bếp nấu… Đến cuối năm 1971 trường lại xây thêm một câu lạc bộ có thể chứa 500 học sinh.
Ngày nay ngôi trường này vẫn còn, là khu trung tâm của làng đại học Thủ Đức, một thời là đại học đại cương của ĐHQG. Hầu hết những sinh viên đại học năm 1,2 của các trường Bách Khoa, KHTN và KHXHNV đều đã từng ngồi dưới giảng đường của khu trường này.
Hình ảnh xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội), hầu hết nằm trên địa phận Thủ Đức. Đây là con đường chính để đi từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, là trục con đường Cái Quan năm xưa:
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Một vài hình ảnh khác ở Thủ Đức xưa:
–
–
–
–
Đông Kha (chuyenxua.net)
Hình ảnh: manhhai flickr