Uncategorized

Những khoảng lặng đêm Sài Gòn trong tâm tưởng

Bốn năm trước, khi chuẩn bị bài vở cho một cuốn sách về biểu tượng Sài Gòn, tôi gửi email mời nhà thơ Du Tử Lê góp chữ. Tôi gợi ý ông viết về một biểu tượng kiến trúc hay hiện tượng đời sống nhân văn phổ quát của Sài Gòn trước 1975 để độc giả được gợi nhắc về một phần hồn cốt phong lưu của Sài Gòn ngày cũ.

Hai tuần sau, từ Nam California, ông gửi một bài viết về đêm Sài Gòn – Những “địa đạo” đêm Sài Gòn xưa (Sau khi in thành sách, bài viết này được nhiều tờ báo, website trong và ngoài nước dẫn lại.)

Vấn đề là tại sao trong tâm trí của một nhà thơ ly hương, đêm Sài Gòn là câu trả lời cho một “biểu tượng” hay ký ức về một thành phố?

Câu hỏi dẫn đưa tôi gom nhặt lại những rơi rụng lấp lánh trên đường về Sài Gòn xưa với khung cảnh đêm, với những “giấc mơ đời hư ảo” trong văn học nghệ thuật miền Nam một thuở. Bởi không đâu như trong địa hạt văn chương, đêm Sài Gòn đã được trình hiện với một vẻ đẹp vừa sống động, lịch lãm, phồn hoa quyến rũ, lại vừa thấp thoáng khoảng mờ tối của những mảnh đời riêng khắc khoải.

Đêm ở rạp Rex xưa. Ảnh TL


Người đọc sách văn chương Sài Gòn trước đây hẳn còn nhớ cuốn tiểu thuyết Còn một đêm nay của nhà văn Thanh Nam. Tác phẩm phản ánh một thế giới Sài Gòn phù hoa của ánh đèn sân khấu và mặt tương phản của nó là những góc tối đầy tủi hờn, đa đoan qua nhân vật Ánh Hường – cô thiếu nữ nhập cư Sài Gòn, theo đuổi nghiệp cầm ca. Khoảng sáng-tối đó nằm gọn trong bốn câu thơ Hoàng Như Mai mà nhà văn làm đề từ cho quyển tiểu-thuyết-tình-cảm này:“Buông bức màn rồi danh vọng hết/ Người về: lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào: cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Đêm Sài Gòn với phòng trà, quán xá, ánh đèn phố thị phồn hoa nhưng lại là bối cảnh của những mối quan hệ trắc trở, những gam buồn tối u uẩn phủ dày trên câu chữ của cuốn tiểu thuyết mỏng này như đã từng có nơi một tiểu thuyết khác của Thanh Nam có tên Người nữ danh ca.

Người nữ danh ca được viết ở quãng vắt qua một sự kiện bể dâu (1953-1955). Cô ca sĩ tên Loan từ đất Bắc vào thành phố phương Nam, trôi dạt nơi các phòng trà Sài Gòn – Chợ Lớn, “trưởng thành trong một mối tình ngang trái để rồi tàn tạ trong một mối tình u-uất khác”. Sài Gòn là giấc mộng kiếm tìm hạnh phúc trong ca hát và trong cuộc tình chóng qua của cô ca sĩ mệnh bạc để kết thúc là cái chết cô độc bởi bệnh lao.

Đường Tự Do về đêm, năm 1963. Ảnh: TL


Đêm Sài Gòn xa hoa, sau những khoảng vụt sáng của hoài vọng là mảng màu của những “hiện thực xám”; nơi bày biện thứ ánh sáng chấp chới hào quang mà mỗi con người đi tìm kiếm trong đời và cả những niềm xót xa thầm kín.

Lại cũng quãng 1954, ta gặp trên khuông nhạc gieo rắc những nốt mưa đêm hiu hắt là dư ảnh một khu Vạn Chài nghèo (bề sau khu Đakao sầm uất). Điệu tango (nhịp 2/4) vốn được xem là thể điệu dành cho những không gian sang cả, nhưng với chàng trai 17 tuổi quê Rạch Giá đang thổn thức kiếm tìm giấc mơ thành thị, thì nó được dùng để kể một câu chuyện của xóm trọ bình dân, với “đường đê tối tăm”, “mưa xuyên áo tơi”, “lầy lội qua muôn lối quanh”… Và đây, một mong ước của đời nghèo gửi… trời cao trong nhạc Lam Phương: “Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con/ Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai/ Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài/ Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.”

Một đêm Sai gon năm 1967.


Không gian đó cũng thật gần với bản Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Ta lại gặp dưới đèn vàng và mưa là những khoảng mờ tối của cõi nhân sinh chật chội nhưng không nguôi ước mơ ngày mai đời “nắng gieo thêm” và tin cuộc sống sẽ vui khi “người biết mang tình thương”.

Cũng thời gian này, một bản tango về phố đêm Sài Gòn cũng được hát nhiều ở các phòng trà Sài Gòn. Vẫn với cấu trúc nội dung và không gian đặc trưng “phố nghèo”, rồi cuối cùng vẫn là lời an ủi cho những đời nghèo: “Đèn đêm không soi bóng vắng/ Kinh đô thắc mắc/Im nghe phố buồn/ Người đi trong đêm tối ám/ Nghe mưa thức giấc/ Khuyên nhau chờ mong.”

Dưới hẻm phố tối tăm, Trịnh Công Sơn lại thả bước chậm, lần theo bóng một cô ca sĩ được mệnh danh là “tiếng sầu ru khuya”, khi ánh đèn phòng trà đã tắt (nhiều tài liệu cho rằng bài hát này được viết tặng ca sĩ Thanh Thúy). Vẫn là một cảnh đêm Sài Gòn trầm buồn, cô lẻ trong Thương một người

Advertisement
“Thương ai về xóm vắng/ Đêm nay thiếu ánh trăng/ Đôi vai gầy ướt mềm/ Người lạnh lắm hay không.”

Nếu trong mảng sáng của ngày, Sài Gòn vội vàng và huyên náo, là khung cảnh lướt qua, thì đêm lại là sự lắng đọng, con người trở về, đối diện với chiếc bóng của mình, nhìn sâu vào phận mình và soi tìm ý nghĩa của cuộc tồn sinh. Đêm của những chuyện tình nghèo trong dòng boléro đặc trưng Sài Gòn – trong đó nhiều “câu chuyện” về ngoại ô thời chiến, và đêm của những lời ca trữ tình của một Sài Gòn lịch lãm, mà ở đó, giai điệu chấp cánh cho thi ca của một Sài Gòn thời khói lửa khốc liệt vẫn bình dị mà hào hoa đầu thập niên 1970. Có những đêm Sài Gòn giới nghiêm đi vào thơ Tô Thùy Yên (Trần Thiện Thanh phổ nhạc): Giờ này thương xá sắp đóng cửa/ Người lao công quét dọn hành lang/ Giờ này thành phố chợt bùng lên/ Để rồi tắt nghỉ sớm/ Ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm/ Ôi Sài Gòn, Sài Gòn mười một giờ vắng yên/ Ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối.” (Chiều trên phá Tam Giang).

Night Club trên đường Tự Do (Đồng Khởi nay) năm 1961. Ảnh TL


Và về sau này, đêm Sài Gòn lại thao thức như vầng trăng cô quạnh theo bước người ly hương. Trong bài Đêm nhớ trăng Sài Gòn mà Du Tử Lê viết tặng nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, được Phạm Đình Chương phổ nhạc có những câu đẹp-buồn diễm tình như trích từ ký ức: “Đêm về trên bánh xe lăn/ Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng/ Tìm tôi đèn thắp hai hàng/ Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây.”

Và từ trên xứ lạ, đêm Sài Gòn cũng trải dài, day dứt trong bản Đêm nhớ về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng: “Đêm nhớ về Sài Gòn/ Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi/ Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi/ Đường im nghe quá khứ trong sâu/ Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau/ Tình lẻ loi canh thâu/ Đêm nhớ về Sài Gòn/ Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa/ Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa/ Ai sầu trong quán úa/ Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song/ Mắt người tình một trời mênh mông/ Gợi bao nhiêu cho cùng…”

Sài Gòn đêm – nguồn cảm hứng nối ký ức vào hiện tại, nối những cảnh đời khác nhau trong một đô thị độ lượng bao dung, nối tâm thức người đi xa với người ở lại và nối những mảng màu văn hóa thị dân nhiều thời kỳ liền lạc, không vụn vỡ hay đứt gãy.

Trong một hộp đêm Sài Gòn trước 1975. Ảnh TL


Tôi sực hiểu phần nào lý do vì sao ông Du Tử Lê lại chọn Sài Gòn đêm làm “biểu tượng”, và đồng cảm khi ông gợi nhắc: Thị dân đêm, Sài Gòn, xưa, nếu phải ra khỏi nhà trước 12 giờ khuya, sẽ nghe được tiếng giày mình bị hè phố ném trả lại, như một nhắc nhở cay nghiệt của hoang vắng.

Nhưng, sự thực không phải thế. Đời sống tinh thần Sài Gòn, xưa, với tôi là những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật, dưới tầng sâu. Những mái tóc-thề-âm-nhạc trên đôi vai sương khói của những cánh hạc vàng giữa đêm thơm hương hư ảo.

Cách khác, với tôi, đấy là những góc khuất – hay những miểng ngà, ngọc mosaic hoặc, quý kim, khi ráp lại, thành những bức tranh, tựa được hoàn tất từ cổ tích.

Những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật của đêm, Sài Gòn xưa, dường được phân bổ đều cho từng góc phố. Tùy nhu cầu tinh thần, thời đó, bạn sẽ thoải mái tìm được cho mình chỗ ngồi thích hợp ở một phòng trà ca nhạc nào đấy.”

*

Thành phố là một giấc mơ, như cách nói của Italo Calvino. Thành phố trình hiện sự đeo đuổi sung túc về mọi mặt, nhưng cũng chấp chới những nỗi lo âu về sự vô hình hóa những phận người. Sài Gòn đêm – đô thị xứ nhiệt đới soi mình bên một dòng sông hiền hòa lại đong đầy cả hai chiều kích đó.

Và từ rất lâu sau chiến tranh, Sài Gòn chợt lại ‘giới nghiêm’ bởi đại dịch. Đêm Sài Gòn bây giờ lại thăm thẳm, tịch lặng, gợi nhắc những đêm xưa.

Vỉa hè thời giãn cách (ảnh chụp đầu tháng 7.2021). Ảnh: Nguyễn

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *