Nói về phong tục của người Gia Định thời Nam Kỳ lục tỉnh, Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận như một dấu chỉ cho sự định hình tính cách chung của người Nam Bộ ngày ấy, đó là:
“Tục chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài. Học trò đọc sách, phần nhiều chú trọng sáng tỏ nghĩa lý mà vụng về văn chương. Nhà nông thì chăm chỉ lúc khởi công, mà sau khi đã cấy, thì không làm gì cả, được mùa hay mất nhất thiết nhờ trời. Kỹ nghệ thì thô lỗ, đồ dùng thì đều vụng mà chắc, nên hay dùng đồ vật nước ngoài. Những nhà buôn lớn đều từ nước ngoài đến, còn người bản xứ chỉ buôn bán nhỏ, đem chỗ nhiều đến chỗ ít, cất đủ dùng hằng ngày thôi. Đất nhiều sông ngòi nên người nào cũng giỏi bơi lội. Nhân dân đủ người bốn phương, mỗi nhà mỗi tục. Dân nông thôn thì hầu như chất phác; dân thành thị thì chơi bời… [..] Ngoài ra, những việc tiễn năm cũ mừng năm mới, các tiết Nguyên Đán, Đoan Dương, thờ cúng tổ tiên cho đến gặp sinh nhật thì mời khách, gặp tiết tốt vui mừng, đại khái các tỉnh Nam Kỳ đều giống nhau cả.”
Như vậy, có một số đặc trưng về người Sài Gòn, rộng hơn là Nam Bộ được ghi nhận từ rất sớm, ấy là: họ là dân chiếng” nên đa tập tục, ở vùng sông nước nên giỏi bơi lội; họ chuộng khí tiết, biết trọng nghĩa khinh tài; dở văn chương, nhưng biết nắm bắt vấn đề, lại thích vui chơi và gần như không có sự chăm chỉ trong lao động với mục đích làm dư cho tích lũy, lại sính chọn hàng ngoại (?)
Nhận định về phong tục của toàn thành Gia Định, Trịnh Hoài Đức có nhận xét:
“Vùng Gia Định nước Việt ta đất rộng, thực vật phong phú, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, quen thói xa hoa. Phong cách kẻ sĩ thì hiên ngang, do người từ bốn phương tụ lại nên mỗi nhà đều có riêng phong tục”.
Còn nói về sinh hoạt, nếp sống của người Sài Gòn thời Pháp thuộc, ngoài số người cố cựu ở đây vẫn giữ truyền thống của người Nam Kỳ lục tỉnh; thời kỳ này, Sài Gòn có sức thu hút mạnh, nhiều tầng lớp dân chúng miền Đông, miền Tây Nam Bộ đổ về Sài Gòn để tìm cơ hội lập nghiệp, làm ăn và lâu dần định cư Sài Gòn. Mặt khác, Sài Gòn là trung tâm ở phía Nam, không chỉ có sức cuốn hút mạnh người miền Nam mà dân cả nước cùng tìm về, thậm chí nhiều người phương Tây cũng đến Sài Gòn, ít nhất là thử một lần tìm cơ hội làm ăn, không thì cũng đi du lịch, vui chơi, mua sắm. Trương Vĩnh Ký nói trong cuốn Gia Định phong cảnh vịnh:
“Biết bao nhiêu thú chơi bời, Nhưng nơi hí viện, những nơi tửu lầu. Phong lưu lắm thứ phong lưu. Ngồi xe cỡi ngựa mặc dầu ý ai. Thiếu chi gái sắc, trai tài. Áo quần rực rỡ hớn hài xuê xoang. Phố phường tòa dọc dãy ngang, Có hàng đồ Bắc, có hàng đồ Nam. Bán buôn tiền vạn bạc ngàn, Nhận nhàng khiêng gánh lăng xăng ra vào…”
Người Sài Gòn đầu thế kỷ XX chưa có phong tục, tập quán riêng bởi họ là những cư dân các tỉnh miền Nam tập trung về Sài Gòn để định cư, làm việc. Hay nói đúng hơn, họ mang theo phong tục, tập quán của người Nam tụ về đất Sài Gòn. Trong tiểu thuyết “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, Ông Nam Thành đã nói với các con:
“Các con biết! Ngày xưa không ai nhớ Sài Gòn cả, vì lúc đó không có dân Sài Gòn. Nghĩa là có, nhưng không phải dân Sài Gòn chính hiệu. Sài Gòn ngày xưa chỉ có hai thứ dân: thương gia và công chức. Công chức toàn là người các tỉnh lên. Họ về tỉnh cưới vợ, khi muốn lập gia đình. Đẻ con ra, họ cho về tỉnh ở quê nội, quê ngoại. Cả Sài Gòn đều đổ xô nhau mà nhớ tỉnh. Hễ Tết một cái là Sài Gòn trống trơn. Về ông về bà hết kia mà!
Vả Sài Gòn trước đó cũng chưa có đặc tính gì để họ lưu luyến. Cho đến đỗi ca dao về Sài Gòn cũng rất hiếm hoi, đếm được trên đầu mười ngón tay.
Số phận của thành phố mới là như thế: không có dân chính gốc để làm cốt trụ; không có nhân cách riêng để quyến rũ người ta.”
Tuy nhiên, thời gian lâu dần cũng định hình cho họ một phong cách sống, một tác phong làm việc, sinh hoạt, ăn chơi mà dân miệt dưới, miệt vườn cũng nhận ra được nét gì riêng đáng kính nể ở họ để gọi họ là người Sài Gòn.
Trước hết, là kiểu cách ăn mặc nam nữ thanh niên theo thời trang, cho thấy nhãn quan cái đẹp luôn bắt đầu từ Sài Gòn. Ngoài ra, họ biết quý trọng, gìn giữ lịch thiệp, phép tắc xã giao. Nhà văn Hồ Biểu Chánh viết trong tác phẩm Dây Oan năm 1935 như sau:
“Trong đám đứng ngoài đây có một cô thiếu nữ, tuổi chừng 20 hoặc 22, trang điểm cùng là y phục đều đáng theo kiểu kim thời. Cô mặc một cái áo màu khói nhang với một cái quần lụa trắng, hàng lụa tầm thường chớ chẳng chi quí nhưng mà áo may thợ nhấn eo lưng, cắt kích hẹp rồi lại thả thùng rộng cho phê tròn, còn quần thì giún lưng, lại rộng ống, nên phía trên sát sao, phía dưới đầy đặn, coi thiệt là đẹp mắt. Áo quần đã sắc sảo mà cô lại còn mang một đôi giép cao gót da màu xám, một tay ôm một cái bóp đầm với vài cuốn sách, một tay cầm cây dù cán cụt, đầu bới tóc sát ót mà không choàng khăn. Cách ăn mặc đã đẹp mà lại thêm gương mặt cô tròn, hàm răng cô khít, cặp mắt nghiêm chỉnh, nước da trong ngần, giồi phấn thoa son vừa phải mà thôi, nên ai thấy cô cũng biết cô ở vào hàng mỹ nữ kim thời, nhưng mà nhờ cái nét nghiêm nghị tự nhiên của cô nên không ai dám lắng lơ hay là khinh thị. […]
Có một thầy, trạc chừng 25 tuổi tay ôm vài cuốn sách, mặc một bộ đồ âu phục bố trắng may cũng theo kiểu kim thời, cổ thắt nơ đen, chơn mang giày vàng, nãy giờ ngồi trong xe liếc ngó cô nọ luôn, chừng xe ngừng thầy đứng dậy, đỡ nón chào cô và mời cô vô ngồi chỗ của mình cho thong thả. Cô nghĩ thầm rằng: “Thầy này biết lễ quá. Lên xe biết nhường chỗ cho đờn bà”.
Xe ra tới ga Đa Kao. Cô bước ra mà xuống. Đi ngang qua thầy, cô cúi đầu tỏ ý cám ơn nữa. Thầy cũng dở nón chào cô…”
Nhưng Sài Gòn “không quy tắc”, là chốn định cư nhiều giới; nên người Sài Gòn không bận tâm đến kẻ xung quanh, ai sang ai hèn. Hồ Biểu Chánh viết trong tiểu thuyết Từ Hôn:
“Tại cái cửa lớn, người ta tựu lại chật nứt, trai chải đầu láng nhuốt, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điều phì phà, khói bay tưng bừng, mẹ dắt bầy con, đứa chạy trước nghinh ngang, đứa theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi. Tốp chen lấn mua giấy, tốp ùng ùng vô cửa. Người mặc y phục đàng hoàng chung lộn với kẻ bình dân lao động không ái ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở, vì ai cũng biết chắc trong giây phút nữa đây sẽ được xem thấy nhiều cuộc vui để thỏa chí háo kỳ, hoặc để tạm quên các sự cực khổ của loài người trên trần thế?”
Cảnh ngựa xe đông đúc của đường Sài Gòn và nếp sống một gia đình khá giả ở một phố gần trung tâm “đô thành” được Hồ Biểu Chánh ghi nhận cho thấy từ xưa, Sài Gòn đã có sức cuốn hút với nhiều hoạt động và người Sài Gòn tự trong tâm họ cũng luôn hướng về tự nhiên, dẫu rằng, Sài Gòn không còn nhiều đất thiên nhiên và thời gian nhàn rồi cho họ. Tiểu thuyết “Tiền bạc, bạc tiền” năm 1925 ghi lại:
“Đồng hồ gõ 5 giờ. Mặt trời đã xuống khuất mái nhà mà Trần Bá Vạn chưa thấy con là Bá Kỳ về nói coi nó thi đậu hay là rớt, nên nóng nảy trong lòng, một lát ra đứng trước cửa ngó mong xuống đường Paul Blanchy, là đường ở Sài Gòn chạy từ mé sông Bến Nghé lên Tân Định rồi qua Cầu Kiệu. Bá Vạn đứng ngóng một hồi lâu, thấy thiên hạ lên xuống dập diều, xe hơi, xe kéo, lại qua không đứt, mà không thấy dạng con về, mới lần bước vô sân rồi đi vòng lại gần bộ hòn non giả mà nhấm cảnh…”
Còn trong lòng đô thị, bên cạnh lối sống phong lưu, trưởng giả và thái độ học làm sang của lớp người có tiền; còn thấy cả sự hống hách, coi người như cỏ rác của những bà lớn Sài Gòn, tuy giàu, nhưng thiếu nền tảng văn hóa, đạo đức:
“Sốp phơ lách mà đi, chạy phớt ngang cái xe bò, bà Phủ sợ đụng nên la lối om sòm rồi mắng rằng: Quân mày là quân chó, mầy muốn đi như vậy đặng đụng hư xe tao chơi phải hôn? Nè, hễ mày làm hư xe tao thì mầy phải cạo đầu thằng cha mầy đặng bán mà thường cho tao đa, nói cho mà biết.”
Advertisement
Sài Gòn, ai vui chơi thì cứ vui chơi, còn ai vì công việc, nỗi lo riêng, thì vẫn dửng dưng với ngoại cảnh. Hạng viên chức vào Sài Gòn là hạng người cần mẫn với công việc. Họ tạo nên một lớp người Sài Gòn có tác phong và cung cách làm việc đáng để dân đồng bằng học tập:
“Qua tháng mười một, mùa mưa đã dứt rồi, lại có ngọn gió bấc thổi lao rao.
Buổi chiều, ở Sài Gòn, khí trời mát mẻ, làm cho con người từ trẻ chí già đều khỏe khoắn trong mình, nên đi ngoài đường ai cũng lộ cái vẻ hớn hở tươi cười.
Thế mà, Chí Thiện, năm nay đã được 28 tuổi, làm thơ ký toán cho một hãng buôn lớn tại đường Kinh Lấp, đúng 7 giờ tối, thầy ở trong hãng bước ra, bộ đi chậm rãi, mặt mày buồn hiu, dường như thầy tiếc rẽ hãng đóng cửa sớm không cho thầy làm việc thêm nữa. Tay ôm một cuốn sách với một tờ nhựt báo, thầy thủng thẳng đi lại đường Pellerin đón xe ô-tô-bus mà về Đa Kao” (Tác phẩm Bỏ Chồng – Hồ Biểu Chánh 1938)
Sài Gòn vẫn sôi động, cuốn hút. Không chỉ là nơi cho người có học có tiền có nghề nghiệp, đua chen tranh cơ hội làm ăn, tạo sự nghiệp cá nhân, địa vị xã hội; mà còn là nơi “thử thời vận” cho người nghèo không có đất ở quê, muốn lên thành phố kiếm sống, đổi đời. Hồ Biểu Chánh viết về một xóm lao động nghèo Sài Gòn, chiều tối, có đầy đủ những cảnh đời cơ cực, vất vả, như mặt sau của các thành phố lớn, lập thành hai mặt đối lập: sáng – tối, giàu – nghèo, vui – buồn, sướng – khổ:
“Trời chạng vạng tối.
Đèn điện bựt cháy khắp Đô Thành Sài Gòn – Chợ Lớn, đường nào cũng nhờ ánh sáng nhơn tạo nên khỏi chìm ngấm trong tịch mịch tối tăm.
Thế mà bên vùng Vĩnh Hội có mấy xóm bình dân nằm dọc theo mé kinh phía trong, từ bến đò Long Kiểng vô tới xóm Ụ Tàu, vì đường chưa giăng đèn điện, còn trong nhà lá thì đốt đèn dầu leo heo. Bởi vậy lúc gần tối mặc dầu dưới kinh nước đầy, gió chiều phất mát, mà quang cảnh trông có vẻ âm u, có hơi buồn bực.
Trong xóm Ụ Tàu, nằm xéo xéo vàm rạch Ông Lớn là xóm nghèo hơn hết ở vùng nầy. Còn một vài ông thợ thuyền đi làm về trễ, nên xung xăng đi về riết kẻo vợ con chờ ăn cơm. Vài anh xà phu mặc quần vắn, áo vắt vai, bươn bả ra sang xe để chạy cử tối. Cũng có ít chị đàn bà mua bán, chị thì bán hết xôi bưng thúng về, chị thì gánh chè cháo ra đi bán dạo. Nhờ rãi rác có kẻ vô người ra như vậy, nên quang cảnh linh động vui vui làm phai lạt bớt hơi buồn bã…” (Tác phẩm Vợ già chồng trẻ – Hồ Biểu Chánh 1957)
Người Sài Gòn ở thời điểm tiếp xúc với văn minh phương Tây cũng bị tác động bởi đồng tiền và ca dao đã sớm có những phê phán:
“Gái Đàng Mới xem tường không mới, Trai Bến Thành xét lại chẳng thành. Ngày ngày qua lại em, anh; Có xu có túi mới thành ngỡi nhân”.
Cái nhố nhăng, hài hước của các “me Tây Sài Gòn” cũng được phơi bày:
“Bạc lê [parler] vẽ sứa, em giận đứa măng tỏ Thằng gì mà nghi ngại bá vơ, Sài Thành em dạo cảnh, nó nghi ngờ em bán duyên.”
Còn câu ca dao châm biếm “Bước lên xe kiếng đi viếng mà chồng. Cỏ non chưa mọc, trong lòng thọ thai” lại cho thấy có một lớp phụ nữ Sài Gòn ở đầu thế kỷ này đã xem nhẹ “tiết hạnh khả phong” và dĩ nhiên đời sống đô thị góp phần đưa đến tâm trạng và lối sống ấy.
Năm 1975 và những năm tiếp sau, vì nhiều lí do, nhiều người Sài Gòn lại ra đi để chỗ cho người khác tới. Do vậy mà ngày nay, người Sài Gòn cố cựu không còn bao nhiêu; còn người mới tới chỉ có hộ khẩu Sài Gòn, chớ chưa thể nói là người Sài Gòn có “gốc gác ba đời”. Vì lẽ đó, Sơn Nam nhận định:
“Người Sài Gòn, tức là người theo phong cách ứng xử tương đối rõ nét theo kiểu dân “Sài Gòn”. Đó là người nay không còn cư ngụ ở Sài Gòn, đã đi lưu tán khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới hoặc đã trở thành Việt kiểu ở nước nào đó”. Nhưng theo Sơn Nam, tựu trung có một số nét về người Sài Gòn cần được ghi nhận: Đó là tâm lý “Về quê ăn Tết” như Bình Nguyên Lộc cũng đã nhắc đến, nó là ước mơ thầm kín của người Sài Gòn. Vì kẻ không về được quê ăn Tết là kẻ thất bại.
Người Sài Gòn mang phong cách của “dân bến tàu” (bến cảng) từ thời nhà Nguyễn liên tục đến nay. Họ bị sinh hoạt cảng lôi cuốn trực tiếp hoặc gián tiếp nên mọi hoạt động có phần nhanh nhẹn và linh hoạt hơn dân đồng bằng.
Người Sài Gòn thời trước thường hay “đổi nghề”, “đổi nơi cư trú”. Một số an phận với sinh kế, làm công chức hoặc tư chức. Họ giao thiệp với người Pháp, ăn uống sành điệu, thích đọc báo. Họ giữ liêm sỉ, tránh làm mất lòng chòm xóm. Trong mọi dịp ma chay, hôn lễ, tuy tổ chức đơn sơ họ vẫn có mặt. Theo Sơn Nam, đó là “phong cách bình dân của người đàng hoàng?”
Người Sài Gòn, từ sau năm 1930, đã có thói quen của anh ký giả, ngồi tiệm cà phê bên đường mỗi sáng, uống cái đen, hút thuốc đen, chịu khó hỏi han tin tức, nghe lời bình phẩm khen chê, góp phần nghị bàn chuyện nọ chuyện kia, chuyện xã hội, chuyện thời sự.
Người Sài Gòn, ngày trước thích điện ảnh nhưng cũng mê xem hát cải lương. Tuồng cải lương là thành tựu đáng kể của người Sài Gòn, của chung người miền Nam. Ngoài ra, họ cũng thích đá banh. Nói chung, “đọc báo, điện ảnh, cải lương, đá banh” là những nhu cầu cơ bản của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn, một số có thú đi tắm: tắm sông, tắm biển; thú câu cá: cá đồng, cá sông; thú đá gà, đá cá, sau này có thêm đua ngựa. Tất nhiên, những môn giải trí này ban đầu là vui, nhưng dần dẫn đến tệ nạn “đỏ đen”, cũng làm nhiều người Sài Gòn tán gia, bại sản.
Món ăn của người Sài Gòn cũng là những món ăn vốn hợp khẩu vị của người Nam, như: canh chua, món kho, các loại mắm…
Còn nhiều điều mà người này người khác nhận định về người Sài Gòn; có thể là nét bản chất nhưng cũng có thể là những chi tiết bên ngoài. Nhưng cũng giúp người đọc có được ý niệm chung về người Sài Gòn. Còn một nét tính cách mà chắc rằng, nhiều người cũng nhận định như Sơn Nam:
“Người Sài Gòn không khó tánh, ít soi mói. Họ không chẻ sợi tóc làm tư để đánh giá người và sự vật. Lắm người ở Sài Gòn ba đời mà … không biết đọc, biết viết, chỉ sống với nghề “bạn hàng”, mua bán vặt ở chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, Chợ Bình Tây…”
Họ quen với nếp sống bình dân như bao người Nam thuở nào. Có điều, cũng nên ghi nhận là người Sài Gòn nhìn chung do tiếp cận sớm với nền văn minh nước ngoài, lại ở một trung tâm khoa học – kỹ thuật – kinh tế – văn hóa – giao lưu năng động nhất trong cả nước, nên dù họ thuộc giới nghèo thì đời sống kinh tế và điều kiện lao động, sinh hoạt vật chất, tinh thần của họ cũng ở mức cao hơn người dân các tỉnh Nam kỳ khác. Hơn nữa, lớp người trẻ Sài Gòn có điều kiện học tập, nghiên cứu, tiếp xúc thực tế Sài Gòn nên có nhiều cơ hội tiền thân, sớm trở thành người thành đạt trong khoa học, kinh tế, nghệ thuật hơn người miệt dưới đồng bằng. Họ trở thành những nhà khoa học, nghệ sĩ, chính khách, doanh gia… mà không những người Sài Gòn, người Nam cũng rất tự hào mỗi khi nhắc về họ.
Tác giả: Huỳnh Công Tín